Những thương binh vượt lên chính mình, bài 1:

Tỏa sáng giữa đời thường

13/07/2022 - 05:51

BDK - Không gì sánh bằng vẻ đẹp của người sẵn sàng xả thân vì độc lập dân tộc, vì tương lai thế hệ con cháu. Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2022, chúng tôi như se thắt lại khi gặp gỡ để viết về những người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, khi số Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống mỗi năm một thưa dần và các thương binh, bệnh binh cũng ngày một già yếu nhiều hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trao quà của Quỹ Thiện tâm cho thương binh Lê Văn Ý.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trao quà của Quỹ Thiện tâm cho thương binh Lê Văn Ý.

Vẻ đẹp của sự hy sinh

Thương binh Lê Văn Ý (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc) nay 82 tuổi, được người dân xã Phú Mỹ gọi thân thương là ông Tám, ông có tỷ lệ thương tật 83%, xếp loại thương binh nặng 1/4.

Gần 10 năm gặp lại, ông Lê Văn Ý mặc bộ đồ lành lặn hơn ngày thường để đi dự buổi tri ân thương binh nặng. Nhưng hôm nay, ông phải đeo một đai nịt cột sống. Ông nói: “Cột sống tôi đau mấy năm nay. Giờ tôi phải đeo cái đai này mới đỡ đau và đi đứng được”.

Tại buổi tri ân, ông Lê Văn Ý và 238 thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tặng 1 phần quà là tiền mặt trị giá 15 triệu đồng. Ông Lê Văn Ý đã dùng số tiền này giúp đỡ các em học sinh nghèo đóng học phí, mua dụng cụ học tập là máy tính, xe đạp để đến trường - một công việc mà ông đã âm thầm làm trong suốt vài chục năm qua.

“Với số tiền 15 triệu đồng này, ông đủ giúp cho mấy đứa nhỏ hiện tại của ông không?”, bà Phùng Thị Mỹ Lệ đại diện Quỹ Thiện tâm hỏi ông Lê Văn Ý bên lề buổi trao quà tri ân. Ông đáp: “Nói nào ngay, được mấy lần như vầy nữa, tôi cũng chưa đủ, vì mấy cháu chịu khó học lắm, mỗi ngày thêm nhiều nhu cầu. Bây giờ tụi nhỏ cần máy tính để học, rồi sắm xe đi học, đi làm...”. “Vậy ông lấy tiền đâu ra lo cho tụi nhỏ?”, bà Lệ hỏi tiếp. Ông Tám Ý thiệt thà trả lời: “Cũng đỡ lắm cô, tôi có được mấy đứa lớn đã học hành xong, có việc làm, thu nhập ổn định. Tôi hỏi mượn, mấy đứa lớn cho mượn để tôi lo mấy đứa nhỏ, rồi từ từ tôi trả lại”.

 Ở chòm xóm, ai cũng biết ông Tám Ý là người tiết kiệm vô cùng. Ông ăn cơm với rau dại, đậu phộng rang để dành tiền lo học trò nghèo, mà toàn là không ruột rà với mình. Ông tiết kiệm hết phương, vậy mà cứ luôn có nợ và trả nợ bằng tiền trợ cấp thương binh nặng hàng tháng. Cuộc sống độc thân, không tài sản nhưng người thương binh vẫn luôn có cách để giúp đỡ người khác, phải chăng tất cả là vì tình thương.

Sự giúp đỡ của ông Lê Văn Ý đã giúp cho hàng chục trẻ ở xã Phú Mỹ và các xã lân cận đến với giảng đường đại học, có việc làm ổn định. Ông Lê Văn Ý được xóm giềng yêu mến, được tuyên dương thương binh tiêu biểu của cả nước tại Hà Nội trong nhiều năm liên tiếp. Thương binh nặng Lê Văn Ý là nhân vật trong một số chương trình truyền hình như: Tỏa sáng giữa đời thường của Công an TP. Hồ Chí Minh; là nhân vật trong các tác phẩm báo chí đạt giải cao cấp quốc gia, cấp tỉnh viết về gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một thương binh 82 tuổi, đi khập khiễng với một chân giả, cụt một bàn tay, gương mặt có đôi gò má cao và một hốc mắt sâu hoắm vì không còn con ngươi. Ấy vậy mà, ông Lê Văn Ý lại đẹp vô cùng, vẻ đẹp của ông toát ra từ giọng nói, ánh nhìn ấm áp và những lời trò chuyện chân chất, mộc mạc đầy tình người.

Lan tỏa lòng biết ơn

Chăm lo đời sống về vật chất và tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nghĩa vụ, tình cảm của mỗi người. Qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Hiện toàn tỉnh có trên 144 ngàn người có công được ghi nhận, tôn vinh. Trong đó, có 35.648 liệt sĩ, với 6.949 thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 18.734 thương bệnh binh... Trợ cấp ưu đãi hàng tháng và các chế độ khác có liên quan cho người có công được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Hiện nay, tỉnh đang quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 19.855 đối tượng chính sách, kinh phí trên 35 tỷ đồng/tháng.

Thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20-10-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, từ năm 2017 đến nay đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng và truy tặng cho 291 bà mẹ trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 6.927. Hiện chỉ có 202 mẹ còn sống. Các mẹ còn sống, ngoài các chế độ ưu đãi của Nhà nước còn được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời và được sự quan tâm thường xuyên của chính quyền, đoàn thể, nhân dân nơi các mẹ cư trú.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm. Hàng năm, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 đến nay, đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, với số tiền trên 12 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.951 hộ gia đình người có công với cách mạng (xây dựng mới 1.932 căn, sửa chữa 19 căn). 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa. Qua đó, đã huy động được các nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng với Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Hàng năm, tỉnh trích ngân sách gần 6 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công trong các dịp lễ, Tết. Đồng thời, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đời sống cho đối tượng chính sách như: tặng sổ tiết kiệm, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách. Ngoài ra, mỗi năm đều có tổ chức điều dưỡng sức khỏe cho trên 800 người có công; điều dưỡng tại gia đình cho trên 8 ngàn người có công. Qua đó, góp phần động viên tinh thần cho người có công sống vui, sống khỏe tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN