
Thương binh Lê Văn Hoàng bên danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” mà Tiểu đoàn 560 vừa nhận.
Anh dũng đánh giặc
Năm 1965, khi 15 tuổi, anh Lê Văn Hoàng bắt đầu làm giao liên. Anh Hoàng nhớ lại: “Tôi về quê ngoại chơi ở xã Hương Mỹ, thấy vài tên lính xuất hiện, tôi mượn cây súng trường bá đỏ của cậu Sáu. Bên lộ, trên cây còng có cái nạn, tôi để cây súng lên, chờ lính tới bắn liền nhưng đã bắn hụt. Mấy tháng sau, tôi được giao việc gài lựu đạn ở đầu nhà lồng chợ Minh Đức, làm 1 tên chết, 1 tên bị thương. Thấy tôi khoái đánh giặc, cậu Sáu gửi tôi cho ông Tư Kiên - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6. Năm 1966, tôi bắt đầu đi bộ đội tỉnh, ở Tiểu đoàn 560, tham gia đánh gần 30 trận lớn, nhỏ trong tỉnh”.
Anh Hoàng kể thêm: Trong 5 trận lớn thì có đánh lính Mỹ tại huyện Ba Tri; đánh lính Mỹ tại xã An Khánh, Phú Túc, huyện Châu Thành; đánh lính Mỹ tại ấp Phước Điền, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày... Có những trận đánh, lính chết để đó chờ, đợi chúng đỗ quân bốc xác đi thì đánh tiếp, diệt thêm nhiều tên. Như trận đánh lính Sư đoàn 7, lính chết khá nhiều, đánh bằng súng 12,8mm. Tôi sử dụng súng P40, lính chết la liệt...
Lúc là Đại đội phó, đánh trận ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (vào ngày 28-12-1972 âm lịch), tôi bị thương. Năm 1973 (không nhớ rõ ngày, tháng) bên Mỹ Tho, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 7, gần 30 chiếc tàu thả trôi qua xã Phong Nẫm. Đánh từ sáng tới 18 giờ 30 phút, tôi ra công sự thấy tàu giặc, tôi nổ súng đánh luôn trái đầu tiên bằng súng P40. Để bắn phát thứ 2, nhờ đồng đội nạp đạn P40 dùm, vác súng xuống bụi lá bắn. Vừa bóp cò thì nghe một cái ban…, tôi choáng váng, thế là bị thương. Y tá tới đưa tôi lên bờ. Ban đầu cắt bỏ tay bên trái, sau đó cắt bỏ bên tay phải. Cuối cùng, tôi được chuyển về Quân y ở huyện Giồng Trôm, sau 4 tháng thì vết thương lành. Tháng 1-1973, tôi giải ngũ về xã Phước Hiệp cho đến ngày nay.
Vươn lên phát triển
“Sau khi vết thương 2 tay lành, tôi tập vấn thuốc hút, viết chữ, móc bùn bằng thau, cuốc đất, đạp len… “Những công việc lớn, nhỏ phải nhờ vợ, con thấy lệ thuộc quá, tôi đành luyện tập riết rồi quen”, anh Hoàng kể.
Năm 1973, anh Hoàng về sống trong vùng giải phóng ở xã Phước Hiệp, sinh hoạt ở Chi bộ ấp An Thới. Từ năm 1975, anh cùng vợ là chị Trần Thị Khải (đảng viên) trồng mía trên diện tích gần 3 ngàn mét vuông và sống trong căn nhà lá đầy tình thương của xóm giềng. Với số tiền tích lũy sau 13 năm trồng mía, 7 năm trồng cam, năm 2008, anh Hoàng xây được căn nhà cấp 4, lót gạch men với kinh phí 180 triệu đồng; mua thêm 2 ngàn mét vuông đất, cộng với đất đã có để trồng dừa.
Từ năm 1982 - 1998, anh Hoàng làm Bí thư ấp An Thới, sau đó làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, đến năm 2020 xin nghỉ vì lý do sức khỏe.
Sự cống hiến của thương binh Lê Văn Hoàng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Năm 1987, anh Hoàng vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ngày 29-4-2021, anh vinh dự nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Tháng 4-2021, anh nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bài, ảnh: Hoàng Vũ