BDK - Kỷ niệm 112 năm Ngày sinh của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (15-2-1913 - 15-2-2025), xin gửi đến quý bạn đọc đôi nét về tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989). Ông được đánh giá là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, với lối sống đậm tình nghĩa và luôn lạc quan.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre)
Chuyện đôi giày há mồm
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913, ở làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) - vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng. Truyền thống lâu đời của quê hương đã hun đúc nên tài năng và phẩm chất cao quý của nhà trí thức cách mạng Huỳnh Tấn Phát.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vô cùng phong phú. Những thông tin thú vị về con người của ông được kể lại khá chi tiết trong quyển hồi ký “Đám cưới giữa mùa thu” của bà Bùi Thị Nga - vợ ông Huỳnh Tấn Phát. Hồi nhỏ, ông Huỳnh Tấn Phát ở nhà ngoại, đi học ở Mỹ Tho, sau lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký. Năm 1933, ông ra Hà Nội đi học. Suốt thời gian đi học từ nhỏ đến lớn, ông đều học giỏi, có học bổng.
Năm 1933, sau khi tốt nghiệp bậc trung học Trường Pétrus Ký, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình không chu cấp đủ, để có tiền ăn học, ông tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long - Hà Nội, viết bài cho báo La Lutte (Tranh đấu), báo Le Travail (Lao động) ở Bắc Kỳ; thiết kế nhà dân để có thêm thu nhập.
Những ngày Hà Nội rét, chúng tôi lại nhớ đến đôi giày há mồm của cậu sinh viên Huỳnh Tấn Phát, nhớ cái áo manteau mặc mùa đông của ông thường được đem cầm... để giúp ông chống “những cơn cào ruột”. “Cũng không phải một mình tôi đem nó cầm đâu, mấy người bạn tôi, ai cần cũng mượn đi cầm. Thế rồi, mấy tiệm cầm đồ đã nhẵn mặt cái áo. Lại phải tìm những tiệm xa hơn...”, bà Nga thuật lại lời kể của ông Phát kể về thời sinh viên của ông tại Hà Nội.
Thím Một - người thím của ông Huỳnh Tấn Phát kể về đôi giày há mồm của cậu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: “Nhớ tới Phát là tôi nhớ tới đôi giày há mồm của Phát. Ở miền Bắc lạnh lắm. Mùa đông phải mang vớ đi giày, không thì cảm ho ngay. Một hôm chú Một (tức Luật sư Huỳnh Văn Phương - chú ruột của ông Huỳnh Tấn Phát) thấy Phát cứ lê đôi giày rách, chú vội cho tiền mua đôi mới vì chú hiểu sinh viên rất nghèo”.
“Lần sau Phát đến, tôi vẫn thấy đôi giày cũ. Tôi hỏi thì Phát trả lời đã cho bạn mượn để trả tiền thuê nhà trọ. Chú Một thông cảm đưa tiền lần thứ hai. Lần này hễ có chú Một ở nhà thì Phát tránh mặt, Phát vẫn sợ chú, nhưng vẫn lê đôi giày nát. Thấy vậy, tôi vội lấy ni và tự đi mua đôi mới cho Phát. Tính Phát như vậy. Hết mình với bạn. Rất tình cảm nhưng rất cứng cỏi. Không muốn phiền hà và thọ ơn ai. Nhất là đối với người quyền cao chức trọng...”, thím Một kể cho bà Bùi Thị Nga.
Về người chú ruột trí thức
Trong cuốn sách “Huỳnh Tấn Phát - Tiểu sử” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có nhắc đến Luật sư Huỳnh Văn Phương (chú Một) - người có sức ảnh hưởng đối với ông Huỳnh Tấn Phát.
Thời gian Huỳnh Tấn Phát lên Sài Gòn học, cũng là lúc chú ruột ông - Luật sư Huỳnh Văn Phương vừa bị Chính phủ Pháp trục xuất về Sài Gòn do tham gia biểu tình chống việc kết án tử hình Nguyễn Thái Học. Luật sư Huỳnh Văn Phương lớn hơn Huỳnh Tấn Phát 7 tuổi nên chú cháu gắn bó với nhau rất thân thiết. Đây là cơ hội tốt để Huỳnh Tấn Phát tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ. Những ngày Chủ nhật được nghỉ học, Huỳnh Tấn Phát thường đến nhà chú Huỳnh Văn Phương. Cũng tại nhà Huỳnh Văn Phương, Huỳnh Tấn Phát được tiếp xúc với sách báo tiến bộ mácxít do Huỳnh Văn Phương mang từ Pháp về. Tuy chưa hiểu gì nhiều về chủ nghĩa Mác, nhưng những tư tưởng mới đó đã tạo được sự đam mê đối với Huỳnh Tấn Phát. Nhớ về thời kỳ này, Huỳnh Tấn Phát viết: “Khi ra trường lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký, ý thức cách mạng luôn nung nấu trong tôi. Qua tiếp xúc với một số báo cách mạng, và cuộc đấu tranh trên báo công khai, tôi càng chú ý đến cách mạng”. Như vậy, ngay khi học Trường Pétrus Ký, phong trào đấu tranh cách mạng bằng hình thức công khai của nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức và có điều kiện tiếp thu tư tưởng cách mạng qua sách báo tiến bộ đã chuyển nhận thức của Huỳnh Tấn Phát từ chú ý đến cách mạng chuyển thành ý thức về đấu tranh cách mạng và ý thức này luôn được nung nấu để Huỳnh Tấn Phát biến thành hành động cách mạng trong những năm là sinh viên kiến trúc tại Hà Nội.
Vào nửa đầu những năm 30 thế kỷ XX, thực dân Pháp tiến hành cuộc khủng bố trắng trên phạm vi cả nước. Ở Nam Kỳ, chưa bao giờ người dân phải sống trong cảnh bị áp bức và bị bóc lột đến cùng cực như vậy. Tại các đô thị Nam Kỳ, người dân nghe nói nhiều tới liên minh công - nông để đấu tranh chống áp bức. Nhiều trí thức đến với Đảng, hoạt động trong các phong trào yêu nước, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đứng lên chống kẻ thù xâm lược. Trong hoàn cảnh ấy, người sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Huỳnh Tấn Phát đã có cảm tình với Đảng Cộng sản và quyết định dấn thân vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc.
Qua nhiều năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã được giao nhiều trọng trách: Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ (1947 - 1949); Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Sài Gòn (1949 - 1954); Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1977), Phó thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1977 - 1982), Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1982 - 1989). Ở cương vị nào đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và Tổ quốc.
Cuốn sách “Huỳnh Tấn Phát - Tiểu sử” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dày 287 trang, là một công trình nghiên cứu sưu tầm dày công, tái dựng cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Huỳnh Tấn Phát mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau trân trọng, ghi nhớ.
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng thưởng ông Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.