Xây dựng lớp thanh niên, trí thức noi gương kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

20/02/2023 - 05:41

BDK - Sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15-2-1913 - 15-2-2023) vừa qua đã đọng lại trong mỗi chúng ta, nhất là lớp thanh niên, trí thức trẻ niềm tự hào, cùng những suy nghĩ, trăn trở. Đó là, hiểu hơn về tầm vóc và những đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là xây dựng các thế hệ trí thức nói chung, thanh niên, trí thức trẻ Bến Tre nói riêng biết noi gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát, sống có hoài bão, lý tưởng, hết mình vì quê hương, đất nước.

Đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập truyền thống tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Ảnh: Thanh Đồng

Đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập truyền thống tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Ảnh: Thanh Đồng

Noi gương kiến trúc sư tài ba

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức lớn, tài hoa, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, phú quý để dấn thân, chấp nhận hy sinh, gian khổ để phụng sự cách mạng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân trọn cuộc đời, không màng danh lợi gì cho riêng mình - thể hiện nhân cách của một trí thức lớn - nhân cách văn hóa Huỳnh Tấn Phát!

Noi gương thế hệ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và các bậc trí thức tiền bối, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trên đất nước ta nói chung, mảnh đất Bến Tre giàu truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng nói riêng, đã có lớp lớp thanh niên, trí thức trẻ xếp bút nghiên, từ bỏ đô thành hoa lệ, giã từ giảng đường đại học để dấn thân con đường cách mạng, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chấp nhận hy sinh, gian khổ, chiến đấu không mệt mỏi vì lý tưởng cao đẹp và hàng ngàn người đã ngã xuống trên khắp mọi miền đất nước, như anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, nhà thơ - anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân, anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... họ đã sống đúng với vai trò và thể hiện nhân cách của một trí thức đối với quê hương, đất nước.

Noi gương các bậc trí thức tiền bối, trong đó có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát... tôi nghĩ, đội ngũ thanh niên, trí thức trẻ Bến Tre nói riêng, nước ta nói chung phải tự đặt câu hỏi mình “đã làm gì cho quê hương” và tự trả lời để hành động cho xứng đáng với các bậc trí thức đã không tiếc máu xương, xả thân vì quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo trong tỉnh cần quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức, thanh niên Bến Tre phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, nhân ái, sống có hoài bão, trung thành với lý tưởng của Đảng, có khát vọng vươn lên, có đạo đức và tinh thần sẵn sàng cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Bến Tre ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, hạnh phúc.

Theo nguyện vọng của đa số thanh niên, trí thức trẻ, tỉnh cần đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề, cơ sở sản xuất để thu hút thanh niên, trí thức trẻ về làm việc phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Tại cuộc họp mặt trí thức đầu xuân vào chiều ngày 17-2-2023, một đại biểu đến từ TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Người Bến Tre đi đâu cũng thành đạt, không phải con em Bến Tre không muốn về phục vụ quê hương, mà các bạn về không có đất dụng võ. Tôi được biết, mỗi năm có hơn 5.000 sinh viên là con em của Bến Tre tốt nghiệp, ra trường từ các trường cao đẳng, đại học ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Riêng năm 2022, có 5.800/12.457 sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp, ra trường nhưng hầu hết không tìm được cơ hội làm việc tại tỉnh. Cụ thể là trường hợp của bạn Đ.T.N.N, quê huyện Chợ Lách, tốt nghiệp loại xuất sắc Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, không tìm được việc làm, bạn đăng ký học và tốt nghiệp thạc sĩ Triết học, thạc sĩ Kinh tế chính trị học, có nguyện vọng phục vụ quê hương nhưng hôm nay em vẫn chưa tìm được việc làm và cơ hội tìm việc làm đúng ngành nghề đào tạo tại tỉnh là vô cùng khó, rất nhiều bạn vì cuộc mưu sinh chấp nhận làm trái ngành nghề đã học.

 Đem trí tuệ, tài năng phục vụ quê hương

Có rất nhiều giải pháp để xây dựng và thu hút đội ngũ trí thức trẻ về tham gia xây dựng quê hương. Trước hết, trên cơ sở quy hoạch và tầm nhìn phát triển tỉnh đến năm 2030 và 2045, tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn ngành nghề tham gia học tập ở các trường đại học trong và ngoài nước, trường nghề chất lượng cao. Cần có chiến lược truyền thông, đối thoại để định hướng cho thanh niên tự đào tạo theo sở trường. Quan tâm đầu tư đổi mới hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh niên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; triển khai các chương trình đào tạo ngoại ngữ... để thanh niên, học sinh tiếp cận học tập miễn phí.

Tăng cường phối hợp với các viện, trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với các tổ chức kinh tế, để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển tỉnh; đẩy mạnh các chương trình giới thiệu việc làm, khởi nghiệp; định hướng và hỗ trợ cho thanh niên, trí thức trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo điều kiện cho trí thức tiếp cận các cơ chế, chính sách, vay vốn ưu đãi, tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, đổi mới sáng tạo... Tỉnh cần có chương trình phối hợp phát triển kinh tế với các nước và nâng cao nhận thức cho thanh niên về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp đại học có cơ hội tham gia các hoạt động kinh tế hợp tác với nước ngoài để học tập kinh nghiệm về phục vụ đất nước. Cần huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế cùng chăm lo phát triển lực lượng thanh niên, trí thức trẻ.

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên nhằm làm cầu nối thanh niên, trí thức với nhu cầu nhân lực của các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút trí thức trẻ tỉnh về làm việc phục vụ quê hương. Bên cạnh đó, thanh niên, trí thức trẻ cần phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng mềm để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế.

Một giải pháp quan trọng trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức theo gương kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Đoàn Thanh niên cần xây dựng chương trình giáo dục lý tưởng cho thanh niên, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tình yêu quê hương, đất nước, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa nhằm xây dựng lớp thanh niên, trí thức trong thời đại công nghệ 4.0, sẵn sàng đem trí tuệ, tài năng của mình phục vụ quê hương, đất nước.

Chúng ta tự hào được sinh ra trên quê hương Bến Tre anh hùng, một xứ sở ba dải cù lao nhỏ bé nhưng giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nơi được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đã sản sinh ra nhiều danh nhân, danh tướng, nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước, dân tộc cả thời cận đại và hiện đại. Mỗi người dân Bến Tre nói chung, mỗi thanh niên, trí thức trẻ Bến Tre không chỉ biết tự hào mà còn phải biết học tập và noi theo tấm gương các bậc tiền nhân, noi gương kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, một trí thức tài hoa, người cộng sản kiên trung, một đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

KTS. C.T.A

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích