Lì xì ngày Tết - Nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn

04/02/2025 - 18:27

BDK.VN - Lì xì là một phong tục, một nét đẹp văn hóa của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán, thể hiện tình cảm, sự quan tâm, lòng tri ân của con cháu đối ông bà, cha mẹ; là sự động viên, khích lệ nhắc nhở con cháu chăm ngoan, học giỏi. Lì xì đúng ý nghĩa sẽ là niềm vui của người “cho” và là sự phấn khởi, động viên to lớn đối với người “nhận”. Vì vậy, cho dù cuộc sống có phát triển, nhu cầu vật chật, tinh thần trong ngày Tết có thay đổi, nhưng phong tục lì xì ngày Tết vẫn là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu, cần được bảo tồn trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Lì xì nhằm động viên, khích lệ nhắc nhở con cháu chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: Huỳnh Anh

Nét đẹp ngày xuân

Mùa xuân không chỉ có hoa thơm, trái lạ mà còn có những phong tục truyền thống, lễ nghĩa cổ truyền ngày Tết, góp phần gìn giữ, phục dựng và phát huy nét đẹp ngày xuân, cụ thể là phong tục lì xì đầu năm, nhằm thể hiện tình cảm, lòng kính trọng đối với ông bà, cha mẹ, thương yêu người thân, quý mến trẻ em, trân quý bạn bè, đồng nghiệp… và cái Tết năm nay đã thể hiện được điều đó, vì ông bà ta thường nói, “phú quý sinh lễ nghĩa”, nên khi cuộc sống đủ đầy, khấm khá người ta sẽ nghĩ đến chuyện lễ nghi, hiếu đạo, nghĩa tình như một lẽ tự nhiên và phải có cuộc sống đã no ấm. Vì vậy mà Tết Ất Tỵ 2025, chúng ta nhìn thấy mọi người đều hướng về gia đình, người thân, chi tiêu mua sắm chừng mực, nhu cầu vừa đủ cho những ngày vui xuân đón Tết, còn lại là hướng đến việc biếu tặng, chia sẻ, giúp đỡ gia đình người thân, ông bà, cha mẹ, con cháu trong gia đình như một sự tri ân qua một năm lao động vất vả.

Từ đó, việc mừng tuổi đầu năm đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo phong tục, vào đêm giao thừa hoặc ngày mùng Một, các gia đình thường tụ họp đông đủ với nhau cùng thắp nén hương lên tổ tiên ông bà và sau đó là vui vầy ăn uống chúc mừng nhau nhân dịp năm mới. Đây cũng là thời điểm mà con cháu trong gia đình chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong thông thường có số tiền nhỏ (đối với ông bà, cha mẹ lớn tuổi muốn lì xì cho con cháu) để tượng trưng cùng lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong cuộc sống, trong công việc, chăm ngoan học giỏi. Còn đối với con cháu muốn lì xì mừng tuổi ông bà, cha mẹ thì tùy vào điều kiện kinh tế, cuộc sống của mỗi người để lì xì (ít hay nhiều) cho ông bà, cha mẹ với lời chúc sống vui, sống khỏe, sống trường thọ, sum họp cùng con cháu…

Ngày nay, chúng ta vẫn duy trì được phong tục tốt đẹp này, qua việc nhiều gia đình, con cháu sum họp đông đủ về gia đình tổ chức chúc thọ, mừng tuổi, lì xì ông bà, cha mẹ, cầu chúc ông bà, cha mẹ sống vui, sống khỏe, sống thọ cùng con cháu; rồi ông bà, cha mẹ, cô, dì chú bác cũng lì xì con cháu trong gia đình với lời khen ngợi thành tích năm qua, động viên, nhắc nhở, dặn dò cố gắng hơn, thành công hơn trong năm mới, rồi bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí cũng chúc mừng năm mới, lì xì cho nhau gọi là lộc mai mắn đầu năm, cầu chúc một năm mới “thuận buồm, xuôi gió”, thành công trong mọi lĩnh vực… Tất cả những lời chúc mừng, động viên, khích lệ ấy, kèm theo một phong bì (tùy điều kiện, hoàn cảnh mà bao lì xì nhiều hay ít). Song dù là tiền nhiều hay ít đều quý, quý bởi tấm lòng và lời chúc tốt đẹp cho một năm mới bắt đầu, cho nên người “cho” cũng không nên băn khoăn cho bao nhiêu là được hay “nhận” được bao nhiêu mới vừa. Bởi tiền lì xì đầu năm là lộc đầu năm, nên nhiều hay ít không quan trọng, có là được, là vui, là đủ động viên nhau.  

Cần được hiểu đúng và bảo tồn

Nói đến việc lì xì, được lộc đầu năm, tôi nhớ đến một tài khoản trên Facebook ngày mùng 4 Tết có dòng trạng thái “Họ lì xì con tôi 200k, nhưng họ có đến ba đứa con, tôi nên lì xì lại thế nào”, đó là một tình huống có thật trong cuộc sống xung quanh, nhưng chúng ta không nên quá bận tâm và lo lắng, dẫu biết rằng “bánh sáp đi, bánh quy lại”, nhưng trẻ em không quá câu nệ vấn đề này là phải 50 - 50 mà chủ yếu là “của cho, không bằng cách cho” của người lớn, khi ta giáo dục con cháu trong gia đình biết quý trọng một phong tục đẹp ngày Tết, lì xì lấy lộc đầu năm, chủ yếu là ở lời chúc và thái độ, tình cảm, ứng xử của người “cho”, người “nhận” để trẻ em vui vẻ, cố gắng học hành giỏi giang, chăm ngoan, biết vâng lời, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, lễ phép với người lớn.

Còn đối với người lớn hay ông bà, cha mẹ khi được con cháu mừng tuổi, lì xì đầu năm sẽ tăng thêm niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe tràn đầy khi thấy con cháu mình phương trưởng, thành đạt, có việc làm, có thu nhập… Điều đặc biệt quý giá hơn số tiền trong bao lì xì là chứa đựng những tình cảm yêu thương, lòng kính trọng, sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, để người già sống vui, sống khỏe, sống có ích và hạnh phúc bên con cháu, cùng với tình cảm, lòng biết ơn là những lời cầu chúc cho con cháu mạnh khỏe, thành công, vạn sự như ý trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Với những người đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè và người làm việc trong cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy… phong tục lì xì đầu năm của người đứng đầu là một sự đánh giá ghi nhận tình cảm, trách nhiệm, sự đóng góp của mỗi cá nhân đối với đơn vị sau một năm công tác, lao động vất vả cùng với tập thể tạo ra giá trị vật chất hay kết quả thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy mà phong bao lì xì của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay chủ doanh nghiệp đầu năm có ý nghĩa quan trọng, là sự động viên, khích lệ vô cùng to lớn đối với cán bộ, nhân viên, người lao động, như một sợi chỉ hồng kết nối, bện chặt họ với nơi làm việc cùng với tinh thần, ý chí, thái độ trách nhiệm hơn đối với nhiệm vụ, công việc được phân công.

Chính vì Tết là dịp sum họp, đoàn viên, con cháu đủ đầy, những người trẻ đã trưởng thành, biết lao động, có thu nhập, kinh tế ổn định thì lì xì (mừng tuổi) ông bà, cha mẹ khấm khá để chi tiêu, mua sắm ba ngày Tết, nếu nhiều hơn có thể tiết kiệm phòng thân hoặc để chi tiêu sau Tết, vì vậy lì xì ngày Tết đối với ông bà, cha mẹ thì người lì xì như là một sự sẻ chia, đền ơn, đáp nghĩa, tri ân ông bà cha mẹ nên phải thật sự kính trọng, vui vẻ, trân trọng người nhận.

Từng thành viên trong mỗi gia đình hay bạn bè người thân, cán bộ, công chức, người lao động và cả cộng đồng… nên xem việc lì xì ngày Tết là một phong tục, một nét đẹp văn hóa ngày xuân, để góp phần bảo tồn và tuyên truyền, giáo dục cho người thân, con cháu trong gia đình hiểu được, mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của việc lì xì đầu năm, không nên nặng nề, cầu toàn, tính toán chi li làm mất đi nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Kim Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN