Vận hành nền tảng đối tác công tư (4P) hỗ trợ phát triển bền vững chuỗi giá trị cây ăn trái

17/10/2024 - 20:37

BDK.VN - Ban Quản lý Dự án CSAT (PMU) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty cổ phần tư vấn chất lượng và đào tạo Tín Việt tổ chức Hội thảo vận hành nền tảng đối tác công tư (4P) hỗ trợ phát triển bền vững chuỗi giá trị cây ăn trái. Tham dự còn có đại diện các sở ban ngành, Hiệp hội, tổ chức tài chính, huyện, xã,doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) có liên quan đến chuỗi giá trị cây ăn trái.

Phát biểu của Giám đốc Ban Quản lý Dự án CSAT Nguyễn Khắc Hân tại hội thảo. Ảnh:Tiến Vũ

Thông qua hội thảo sẽ giúp tăng cường sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa khối công, khối tư và nhà sản xuất; đồng thời nắm bắt thuận lợi, khó khăn, đề xuất giải pháp và vai trò các bên liên quan trong quá trình xây dựng, phát triển bền vững chuỗi giá trị cây ăn trái.

Lợi ích của các bên khi tham gia nền tảng 4P, đối với nông dân tăng thu nhập và ổn định đầu ra. Tham gia dự án 4P giúp nông dân có hợp đồng thu mua với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Điều này giúp giảm rủi ro về giá cả thị trường biến động, mang lại thu nhập ổn định. Giá thu mua sản phẩm được thỏa thuận trước trong hợp đồng, đảm bảo nông dân không bị ép giá và có lợi ích kinh tế công bằng.

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nông dân nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ doanh nghiệp và các cơ quan khuyến nông, giúp họ cải thiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như: VietGAP, GlobalGAP.

Phân loại sấu riêng tại HTX Tân Phú, huyện Châu Thành. Ảnh:Tiến Vũ

Theo Công ty cổ phần tư vấn chất lượng và đào tạo Tín Việt, lợi ích đối với doanh nghiệp thu mua và chế biến, tham gia dự án 4P giúp doanh nghiệp thiết lập hợp đồng dài hạn với các hộ nông dân và HTX, từ đó đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định với số lượng và chất lượng được đảm bảo.

Thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp giống, phân bón cho nông dân, doanh nghiệp có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Việc tham gia vào chuỗi giá trị bền vững, cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng và củng cố thương hiệu. Doanh nghiệp có quyền kiểm soát và điều chỉnh kế hoạch sản xuất dựa trên các hợp đồng đã ký với nông dân, giảm thiểu rủi ro về thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Doanh nghiệp tham gia vào các dự án 4P không chỉ hưởng lợi về kinh tế mà còn tạo dấu ấn về trách nhiệm xã hội. Việc hỗ trợ nông dân, giúp họ cải thiện cuộc sống và sản xuất sẽ nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Mở rộng danh mục khách hàng, tham gia vào dự án 4P giúp các tổ chức tài chính tiếp cận với các hộ nông dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để sản xuất, mở rộng danh mục khách hàng và gia tăng doanh thu từ các khoản vay.

Tham gia vào dự án 4P giúp địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, gia tăng thu nhập cho người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Nhờ mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu, địa phương có thể gia tăng nguồn thu từ thuế và các nguồn tài chính khác.

 Mô hình 4P giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện đời sống và giảm tỷ lệ nghèo đói trong khu vực. Nhờ sự đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, hệ thống giao thông, thủy lợi và điện nước tại các vùng trồng sầu riêng được cải thiện, phục vụ cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án CSAT Nguyễn Khắc Hân, mô hình 4P khuyến khích sự hợp tác dài hạn giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức tài chính, giúp tạo nên một chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả. Chia sẻ rủi ro và lợi ích công bằng.                                                                           

 Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN