Có chế độ ăn khoa học, lành mạnh: Chế độ ăn lành mạnh có thể giảm nguy cơ XVĐM, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu và cân nặng. Cần ăn nhiều rau quả (200 gram/ngày), trái cây tươi (200gram/ngày) và ngũ cốc mỗi ngày, chọn thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều cá (ít nhất 1 - 2 lần/tuần). Chế độ ăn nhiều chất béo cần được giảm bằng cách giảm sử dụng mỡ động vật, bơ thực vật, sữa béo nguyên kem, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách…), thức ăn chiên rán sẵn, thức ăn nhanh.
Cần hạn chế các thực phẩm có lượng muối ăn cao. Lượng muối hàng ngày được khuyến cáo dưới 6 gram/ngày (tương đương một muỗng nhỏ). Có thể thực hiện chế độ giảm ăn mặn bằng cách giảm sử dụng thức ăn chế biến sẵn, chọn lựa thực phẩm tươi, không nêm mặn khi nấu ăn, hạn chế chấm thêm muối, nước chấm như nước mắm, nước tương khi ăn.
Không hút thuốc lá: Theo nghiên cứu, thuốc lá có mối liên quan đến XVĐM. Nên ngưng hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến trình XVĐM. Cần quyết tâm bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá nếu không phải là người hút thuốc. Đối với người nghiện thuốc lá, bác sĩ có thể kê đơn các sản phẩm thay thế Nicotin và dùng thuốc hỗ trợ cai nghiện thành công.
Hạn chế bia, rượu: Uống nhiều bia, rượu có thể làm tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Từ đó, làm hình thành các mảng XVĐM. Mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu đối với nữ. Điều đó có nghĩa một ngày nam giới không nên uống quá 2 lon bia hoặc 300ml rượu vang hoặc 60ml rượu mạnh. Còn nữ giới thì không uống quá một nửa số lượng đó.
Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể dục giúp cải thiện cân nặng, huyết áp, mỡ máu và đường huyết. Từ đó, giảm XVĐM. Các hiệp hội chuyên ngành khuyến cáo mỗi người cần vận động cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần). Có thể chọn lựa chế độ luyện tập phù hợp với khả năng gắng sức của mình, bắt đầu từ các hoạt động cơ bắp như đi bộ nhanh. Ngoài lợi ích về thể chất, tập thể dục đều đặn thường xuyên sẽ giúp tự tin hơn và có trạng thái tinh thần tốt hơn.
Kiểm soát cân nặng lý tưởng: Béo phì làm gia tăng tiến trình XVĐM và mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu thừa cân, béo phì, cần giảm cân bằng chế độ ăn thích hợp, hoạt động thể lực và đôi khi cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt chỉ số khối cơ thể ở mức bình thường.
Kiểm soát huyết áp: Nếu không được kiểm soát tốt, tăng huyết áp có thể gia tăng 4 - 6 lần nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp trong thời gian dài. Bệnh nhân tăng huyết áp cần được giảm huyết áp xuống dưới trị số 140/90 mmHg bằng cách dùng thuốc hạ áp và điều chỉnh lối sống như giảm ăn mặn, tập thể dục, không hút thuốc lá, tiết chế rượu, bia, hạn chế căng thẳng, lo âu…
Kiểm soát đường huyết: Đái tháo đường có thể gia tăng 2 - 4 lần nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân đái tháo đường cần được kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu bằng thuốc, chế độ ăn và vận động thể lực. Nếu chưa mắc đái tháo đường, cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát đái tháo đường.
Kiểm soát mỡ máu: Quá nhiều mỡ xấu có thể làm tiến triển XVĐM, dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Giữ các trị số mỡ máu của bạn trong giới hạn bình thường bằng chế độ ăn, tập thể dục và thuốc hạ mỡ máu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh