“Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”

19/05/2023 - 05:14

BDK - Đó là câu trả lời nói lên niềm ao ước nhất của những người tù chính trị Côn Đảo khi được các đồng chí Đảng ủy Sài Gòn Gia Định hỏi rằng: “Côn Đảo cần gì trong ngày giải phóng”. Khoảnh khắc và hình ảnh những người tù chính trị ôm ảnh Bác để mừng ngày trở về, mừng ngày đất nước hoàn toàn độc lập tự do thật quá đỗi thiêng liêng, trang nghiêm và hùng tráng. Đó là khoảnh khắc ngày 4-5-1975.

Đoàn công tác của Hội Nhà báo Bến Tre nghe thuyết minh về ngày trở về của tù nhân Côn Đảo và câu chuyện muốn rước ảnh chân dung Bác Hồ tại Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: Cẩm Trúc

Đoàn công tác của Hội Nhà báo Bến Tre nghe thuyết minh về ngày trở về của tù nhân Côn Đảo và câu chuyện muốn rước ảnh chân dung Bác Hồ tại Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: Cẩm Trúc

“Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí của ta đã lợi dụng những ngày tháng trong tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn được bước tiến của cách mạng mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn, mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua…”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Niềm tin bất diệt vào Đảng và Bác Hồ

Đến thăm Côn Đảo trong những ngày giữa tháng 5-2023, cũng là dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi hạnh phúc như được “quay về”, bắt nhịp khoảnh khắc năm xưa, để tưởng nhớ, hoài niệm về sự kiên cường, bất khuất đấu tranh vì mục tiêu lớn nhất là quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc và gìn giữ Tổ quốc với sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, của những người tù chính trị nơi đây.

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ trong suốt thời gian chúng thống trị (1862 - 1975). Chúng biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng. Không chỉ là nơi cách ly, giam giữ, khủng bố, đày ải, giết hại như thời Pháp thuộc, Mỹ ngụy đã biến nhà tù Côn Đảo thành nơi tiến hành các thủ đoạn tố cộng, diệt cộng tinh vi, thâm độc và tàn bạo nhất. Chúng không từ một thủ đoạn nào như khủng bố tàn bạo, đày ải trường kỳ, đánh đập vô hạn, bỏ đói, bỏ khát, dùng các cực hình dã man nhất… khiến người tù cách mạng sống không bằng chết, đau đớn thể xác, quằn quại đến tận xương tủy, thần kinh và gây chết dần chết mòn, chết từng phần cơ thể.

Thế nhưng, tù nhân Côn Đảo đã bảo vệ khí tiết, trung thành với Đảng bằng cách dũng cảm đối mặt với kẻ thù, với các trận hành hạ thể xác triền miên, đồng thời bên trong nuôi dưỡng, rèn luyện ý chí đấu tranh, một tinh thần bất diệt: quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và niềm tin bất diệt về giải phóng dân tộc.

Khi hay tin Sài Gòn đã giải phóng, tù nhân Côn Đảo đã tự vùng lên giải phóng. Cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo toàn thắng đêm 30 rạng ngày 1-5-1975. Các nhà tù đã bị cắt đứt mọi đường dây liên lạc với đất liền nhưng đến ngày 2-5-1975, may mắn kịp sửa lại thành công đài vô tuyến điện, có một người tù Côn Đảo đã bắt sóng được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi được hỏi rằng: Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay. Lúc đó đồng chí đại diện cùng với các đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo đã nghẹn ngào trả lời rằng: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”. Mặc dù lúc đó các đồng chí thiếu thốn rất nhiều về thuốc men, lương thực nhưng những người tù chính trị trên đảo chỉ cần ảnh Bác Hồ - đó là niềm ao ước lớn nhất bấy lâu nay của họ.

Rạng sáng 4-5-1975, tàu Hải quân từ đất liền cập bến Côn Đảo, mang theo 500 tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tù nhân vừa cách đó mấy ngày còn là tù nhân chính trị, giờ trở thành người tự do và việc trước tiên mong muốn là được rước ảnh Bác và cờ giải phóng về từng phân trại, rất nhiều người òa khóc vì niềm vui thống nhất đất nước.

Đấy là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất thể hiện được niềm tin, niềm tự hào, tin vào con đường giải phóng dân tộc, cũng như sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi các tù Côn đảo bị giam giữ đến giây phút cuối cùng nhưng họ vẫn mong muốn được nhìn ảnh Bác Hồ.

Để ghi lại hết những khoảnh khắc quý giá ngày ấy, hiện nay, tại Bảo tàng Côn Đảo vẫn còn trưng bày 1 bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ giải phóng, cùng với những hình ảnh chụp lại vô cùng xúc động mang giá trị lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nước nhà.

Bức tượng Bác Hồ từ nhà tù Côn Đảo

Câu chuyện cảm động về bức tượng Bác Hồ tại chốn lao tù Côn Đảo, sang Pháp và trở về Việt Nam đã gợi nhiều xúc động và vô cùng nể phục cho thế hệ trẻ hôm nay.

Chuyện kể những năm 1940, bằng lòng kính yêu với vị lãnh tụ vĩ đại, các chiến sĩ cách mạng bị lưu đày ra Côn Đảo đã khắc họa bức tượng Hồ Chí Minh theo trí nhớ và tìm mọi cách bảo vệ, giấu kín trước sự kiểm soát gắt gao của nhà tù. Các chiến sĩ cộng sản bí mật lưu giữ bức tượng tạc hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại nhà tù Côn Đảo. Bức tượng nhỏ nhắn, đặc tả khuôn mặt của Bác với đôi mắt nhìn thẳng sống động, đầy tình cảm, cùng vầng trán cao và chòm râu bạc. Mỗi lần bí mật chào cờ, kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ, các chiến sĩ cộng sản đặt bức tượng phía trước với tinh thần trang nghiêm.

Với các chiến sĩ, trong điều kiện nhà lao khắc nghiệt nhưng hình ảnh, niềm tin sự lãnh đạo của Bác là nguồn cổ vũ lớn lao. Thậm chí, khiến viên giám ngục người Pháp Paul Antoine Miniconi phải khâm phục về những giá trị ngời sáng, tốt đẹp trong chốn lao tù.

Được cử sang Việt Nam làm giám ngục tại nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1920 - 1952, trong thời gian làm việc tại đây, qua việc phát hiện những “biểu hiện lạ” của các tù nhân, giám ngục này nghi ngờ họ đang cố gắng giấu vũ khí trong nhà tù. Giám ngục Miniconi đã tiến hành kiểm tra và khám xét nơi ở của các tù nhân. Kết quả, ông ta thu được bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ mà những người cộng sản yêu mến, kính trọng.

Giám ngục Miniconi đã quyết định bí mật lưu giữ lại bức tượng cho riêng mình. Kết thúc thời gian làm việc tại Côn Đảo, năm 1952, ông Miniconi quay trở lại sinh sống tại đảo Corse (Pháp). Kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được ông mang theo như một kỷ niệm về những năm tháng làm việc tại Việt Nam và gìn giữ đầy trân trọng trong nhiều năm tháng tại nhà riêng rồi trao lại cho người con trai Paul Miniconi lưu giữ trước khi ông mất.

Theo di nguyện của người cha, ngày 1-12-2019, ông Paul Miniconi cùng nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh của các chiến sĩ nhà tù Côn Đảo cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp. Bức tượng sau đó được chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị cho đến hôm nay.

Cũng giống như chúng tôi, nhiều du khách ghé thăm Côn Đảo trong những ngày vừa diễn ra lễ 30-4 và 1-5-2023, đặc biệt là nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại 19-5, đã không khỏi trào dâng niềm xúc động, xen lẫn tự hào dân tộc khi được nghe lại những câu chuyện đầy khí phách, có ý nghĩa giá trị lịch sử lớn lao tại nơi “địa ngục trần gian” từng có một không hai này. Cảm động nhất là khi được nghe, tìm hiểu câu chuyện về bức tượng Bác Hồ và khoảnh khắc người tù Côn Đảo vui sướng được rước ảnh chân dung Bác trong ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và trở về đất liền.

Cẩm Trúc - Quang Khởi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN