Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, phòng ngừa tham nhũng

28/01/2019 - 07:02

Năm 2018, ngành thanh tra tỉnh đã quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; kịp thời phát hiện và kiến nghị các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những sai sót và xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Tỷ - Chánh Thanh tra tỉnh.

Chánh Thanh tra tỉnh Trương Văn Tỷ

Chánh Thanh tra tỉnh Trương Văn Tỷ

* Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh năm 2018?

- Ông Trương Văn Tỷ: Năm 2018, tình hình tiếp công dân khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh giảm so với năm 2017 về số lượt người tiếp, số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Công tác tiếp dân được thủ trưởng các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, việc bố trí địa điểm tiếp dân, thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ và thường xuyên.

Năm 2018, toàn tỉnh tiếp 3.774 lượt người, có 16 đoàn/122 người. So với năm 2017, giảm 458 lượt người và 11 đoàn đông người. Các ngành chức năng đã nhận 176 đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp, giảm 80 đơn (giảm 31,25%) so với năm 2017.

Các ngành chức năng đã giải quyết 153/176 đơn KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 86,9%, gồm 131 đơn khiếu nại, 22 đơn tố cáo; trong đó, Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh giải quyết 30/30 đơn (khiếu nại 25 đơn, tố cáo 5 đơn). Còn lại đang tiếp tục xem xét giải quyết 23 đơn, gồm 21 đơn khiếu nại và 2 đơn tố cáo.

* Công tác giải quyết đơn thư có phát sinh nội dung gì mới, thưa ông?

- Nội dung KNTC cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Khiếu nại vẫn chủ yếu về đất đai, tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ. Có một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do kết quả giải quyết không đáp ứng theo mong muốn của họ.

Kết quả đạt được trong năm qua cho thấy sự nỗ lực của thủ trưởng các cấp, các ngành trong giải quyết KNTC của công dân, đã tạo những chuyển biến tích cực. Các vụ việc mới phát sinh đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết. Qua đó, hạn chế được tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết KNTC tiếp tục được nâng cao, kết quả giải quyết được các cơ quan, đơn vị công bố trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các hoạt động này được tăng cường, các vi phạm được xử lý nghiêm và kiên quyết.

* Đâu là những hạn chế cần tập trung giải quyết?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết KNTC vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, các trường hợp khiếu nại đòi đất trước đây đưa vào tập đoàn sản xuất của các hộ dân huyện Ba Tri vẫn tiếp diễn, mặc dù những trường hợp này đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật và đã ban hành thông báo chấm dứt thụ lý.

Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, giải quyết KNTC; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong đối thoại giải quyết khiếu kiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và lợi ích của người dân, nhất là đối với các công trình, dự án có thu hồi đất. Đồng thời, chủ động theo dõi, nắm tình hình để kịp thời giải quyết các khiếu kiện mới phát sinh ngay tại cơ sở.

* Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), cần quan tâm những nội dung gì, thưa ông?

- Công tác PCTN đã được chỉ đạo quyết liệt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 39, ngày 5-1-2018 thực hiện Nghị quyết số 126, ngày 29-11-2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác PCTN đến năm 2020. Các giải pháp phòng ngừa được duy trì thực hiện đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ luôn được chú trọng. Việc xử lý các vụ việc tham nhũng đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 100%. Thanh tra tỉnh đã kiểm tra việc minh bạch tài sản, thu nhập năm 2017 đối với 4 đơn vị. Qua kiểm tra, các đơn vị thực hiện tốt việc minh bạch tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế cần phải được tập trung khắc phục trong thời gian tới. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự hiệu quả; việc tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ của một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Trên thực tế, đã có một số biểu hiện về lợi ích nhóm bộc lộ qua các sai phạm trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.

Do đó, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cần được tăng cường để ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm và triển khai có hiệu quả Luật PCTN năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

* Xin cảm ơn ông!

“Trong năm 2018, toàn ngành đã tiến hành 59 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Kết quả, đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 9,94 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 5,85 tỷ đồng (đã thu được 4,85 tỷ đồng, đạt 82,93 %), kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục sai sót 4,09 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 15 tập thể, 61 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định pháp luật 3 vụ việc vi phạm. Theo đó, số vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm được phát hiện giảm 1 so với năm 2017”.

(Chánh Thanh tra tỉnh  Trương Văn Tỷ) 

Huỳnh Đức (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN