Giồng Trôm tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số

26/04/2024 - 05:26

BDK - Từ nhiều năm qua, huyện Giồng Trôm đã xác định xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Công chức Bộ phận Một cửa của huyện Giồng Trôm hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Công chức Bộ phận Một cửa của huyện Giồng Trôm hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Huyện tập trung xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho biết: Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Theo đó, huyện đã tập trung đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ như: nâng cấp hạ tầng mạng, hệ thống trang thiết bị; đẩy mạnh số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, thói quen dần dược thay đổi, nhận thức được nâng lên; các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp đã chủ động và tham gia tích cực vào lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.

Theo thống kê, hiện nay, hệ thống quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử. Nhờ đó, tỷ lệ văn bản điện tử liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đạt 97,8% (trừ các văn bản mật); 100% cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ, có 70% cán bộ, công chức sử dụng; duy trì 100% cơ quan, đơn vị và lãnh đạo cấp huyện, cấp xã thực hiện chữ ký số trong phê duyệt văn bản điện tử, góp phần thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và CĐS trên địa bàn huyện; tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính cấp huyện, cấp xã đạt 100%; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 75%.

100% các cơ quan ngành huyện, các xã, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong cơ quan chuyên môn ngành huyện và UBND cấp xã đạt 100%. Tuyến truyền dẫn cáp quang kéo đến 100% ấp, khu phố, phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin và liên lạc của nhân dân. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đạt trên 90%, các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo phủ sóng 4G đạt 100% tại mọi điểm.

Tiếp tục triển khai thực hiện các phần mềm CĐS tại UBND các xã, thị trấn. Kết quả có 21/21 xã, thị trấn đã thực hiện các phần mềm CĐS: 100% xã, thị trấn có trang thông tin điện tử đang hoạt động. Duy trì sử dụng Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến cấp huyện, xã, đường truyền ổn định, góp phần phục vụ tốt công tác hội họp trực tuyến.

Kết quả thực hiện TTHC trực tuyến năm 2023 đạt 65%; 100% TTHC (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện (196 thủ tục), cấp xã (74 thủ tục) đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 142 TTHC đang cung cấp trực tuyến toàn trình; 128 TTHC đang cung cấp trực tuyến một phần.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: đối với kết quả giải quyết TTHC, công chức tại Bộ phận một cửa luôn đặt sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu, luôn trả kết quả đúng hẹn, có nhiều trường hợp trả trước hẹn. Điều này dẫn đến việc Bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công tính đến thời điểm này Giồng Trôm là huyện luôn ở tốp đầu của tỉnh và không còn xã yếu.

“Với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, thời gian tới, huyện Giồng Trôm sẽ tập trung phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số; tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu CĐS hiện nay. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ CĐS cộng đồng để hướng dẫn người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra, giám sát để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện”.

(Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân)

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN