
TP. Bến Tre quan tâm đầu tư thay thế và cải tạo đèn chiếu sáng công cộng bằng đèn led ứng dụng công nghệ IOT.
Xây dựng đô thị thông minh TP. Bến Tre
Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là quá trình liên tục và lâu dài, cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể. Nhìn chung, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án ĐTTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả ghi nhận. Các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ cho phát triển ĐTTM bền vững, xây dựng Chính phủ điện tử trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho dự án Xây dựng ĐTTM cho TP. Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
UBND TP. Bến Tre đã xây dựng, triển khai và thực hiện kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/ThU ngày 23-2-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng ĐTTM giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên 5 lĩnh vực: chiếu sáng thông minh; quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông; chính quyền số; quản lý môi trường; quản lý thông tin quy hoạch và đất đai. Trong 2 năm qua, TP. Bến Tre đã triển khai xây dựng ĐTTM trên các lĩnh vực nêu trên, đưa vào phục vụ người dân, đồng thời tích hợp thêm các tiện ích và lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, kinh tế xã hội… vào Trung tâm điều hành, thông minh IOC thành phố phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo.
Cụ thể, lĩnh vực chiếu sáng thông minh, từ đầu năm 2021, thành phố đã thực hiện giai đoạn 1 cải tạo 5.666/6.832 bộ đèn công nghệ cũ sang đèn led ứng dụng công nghệ IOT, với tỷ lệ gần 83% hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Bến Tre. Triển khai các thủ tục để thực hiện giai đoạn tiếp theo đầu tư thay thế và cải tạo toàn bộ số lượng đèn chiếu sáng công cộng còn lại bằng đèn led ứng dụng công nghệ IOT. TP. Bến Tre cùng với Viễn thông Bến Tre đang triển khai thí điểm 23 camera giám sát tại các vị trí trọng điểm trên địa bàn.
Trên lĩnh vực chính quyền số, hiện trên địa bàn thành phố đã cung cấp 140 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 125 dịch vụ công trực tuyến một phần. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến là 8.351 hồ sơ. Tỷ lệ văn bản điện tử gửi liên thông đạt trên 99%. Việc triển khai chữ ký số cho lãnh đạo các phòng ban đã được triển khai thực hiện 100% từ năm 2017.
Lĩnh vực y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh và kinh tế - xã hội đã hoàn thành việc xây dựng và tích hợp một số chỉ tiêu giám sát dựa trên nền tảng tích hợp trực tiếp số liệu từ các hệ thống công nghệ thông tin đang triển khai: phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT-HIS, phần mềm quản lý nhà thuốc VNPT-Pharmacy và hệ sinh thái giáo dục Việt Nam vnEdu.
Phát triển đô thị thông minh bền vững
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện việc xây dựng ĐTTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn chủ yếu về nguồn lực và văn bản quy phạm pháp luật... Hiện cơ sở hạ tầng, nhân lực còn thiếu hoặc không có, không đáp ứng yêu cầu. Các đô thị trên địa bàn huyện mới được hình thành trên nền trung tâm xã hiện hữu, chưa phát triển về hạ tầng, các nhà đầu tư có quan tâm đề xuất thực hiện các dự án khu đô thị mới nhưng các dự án này chưa được triển khai xây dựng. Phạm vi triển khai hiện chỉ mới áp dụng trong các lĩnh vực: Chiếu sáng, an ninh trật tự - an toàn giao thông và chính quyền số, do đó gặp không ít khó khăn khi cần xử lý các vấn đề phát sinh ngoài lĩnh vực đang triển khai.
Bên cạnh, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc phát triển ĐTTM và chương trình chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn trong khi các giải pháp khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin có sự phát triển, thay đổi liên tục dẫn đến việc khi thực hiện các dự án thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp. Trong quá trình xây dựng TP. Bến Tre trở thành ĐTTM còn bị chi phối trước một số vấn đề cần giải quyết như: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Từ thực tế trên, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị về Bộ Xây dựng thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành ĐTTM. Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển ĐTTM bền vững trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phân bổ kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện xây dựng phát triển ĐTTM bền vững, nhất là TP. Bến Tre, nhằm đạt mục tiêu của UBND tỉnh xây dựng ĐTTM TP. Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh đã được triển khai trên các lĩnh vực: Thông tin giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thông tin giám sát, điều hành các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, doanh nghiệp; thông tin giám sát, điều hành lĩnh vực hành chính công; thông tin giám sát, điều hành thông tin mạng xã hội; thông tin giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng; thông tin chỉ đạo điều hành của UBND, chủ tịch UBND tỉnh; thông tin giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; thông tin hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường. |
Bài, ảnh: Phương Thảo