Giồng Trôm giải quyết việc làm cho nhiều lao động

03/04/2014 - 16:43

Trong năm 2013, Giồng Trôm đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ). Các trung tâm giới thiệu việc làm trong huyện đã thực hiện tư vấn nghề 3.384 lượt người, kết quả có 3.228 lao động làm việc tại các công ty trong huyện và ngoài tỉnh.

Chương trình quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giải ngân trên 2,4 tỷ đồng cho 42 dự án vay phát triển các ngành nghề kinh tế nông nghiệp trọng điểm, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn tại các xã trong huyện. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Văn phòng Dự án IFAD huyện và Công ty Nissei Electric (Mỹ Tho), Trung tâm Giới thiệu việc làm Bến Tre… tổ chức các cuộc hội thảo, tư vấn giới thiệu việc làm để NLĐ có cơ hội tìm kiếm việc làm thích hợp.

Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở 23 lớp đào đạo cho trên 620 người theo học các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt. NLĐ sau khi được đào tạo, cấp giấy chứng chỉ nghề đã có thể tự tìm kiếm việc làm theo ngành nghề đã học. Nhiều lao động được đào tạo đã phát huy hiệu quả từ việc ứng dụng vào sản xuất tại gia đình, như nghề trồng nấm bào ngư, chăn nuôi heo, nuôi gà sinh học…, với mức thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Ngoài việc ứng dụng sản xuất tại gia đình, nhiều NLĐ sau khi nhận chứng chỉ đào tạo nghề còn tự tìm kiếm và làm việc cho các cơ sở, doanh nghiệp ngoài tỉnh với mức thu nhập đáng kể. Huyện còn phối hợp với Công ty Ánh Thái Dương tổ chức hội thảo và tư vấn xuất khẩu lao động, du học tại Nhật Bản cho 22 xã, thị trấn và các trường trung học phổ thông trong huyện. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết hợp với các xã mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và đầu tư vốn cho các dự án, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập gia đình. Kết quả đã triển khai dự án giảm nghèo cho 35 hộ nghèo vay phát triển các nghề nuôi lươn (Hưng Lễ), nuôi dê (Lương Quới), nuôi gà theo hướng an toàn sinh học (Lương Hòa, Châu Bình, Hưng Lễ). Qua các vụ sản xuất, các hộ có lãi bình quân sau mỗi vụ thu hoạch là 2 triệu đồng/hộ, kết quả có 7 hộ thoát nghèo và 9 hộ từ nghèo chuyển sang cận nghèo.  Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện mỗi năm từ 1,5-2%.

Ngọc Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN