Chị Nguyễn Kim Loan (bìa trái) và chị em phụ nữ đang chăm chú làm việc tại xưởng.
Khi mới ra xưởng, chị Loan phải vay 20 triệu đồng để xoay sở mọi thứ: mua dụng cụ làm, cho nhân công ứng tiền trước. Sản phẩm hoàn thành giao công ty mới nhận tiền. Theo chị Loan, công ty có xe chở sườn sắt (khung ghế) và ghế mẫu giao xưởng. Mỗi người nhận làm một công đoạn hoàn thành tùy thuộc vào sức khỏe và sự khéo léo. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện đến hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và một số vật dụng. Sắp xếp thời gian, nhân công có thể đến xưởng làm hoặc xưởng giao hàng cho gia công tại nhà.
Hiện xưởng đan ghế của chị Loan thu hút khoảng 15 người/ngày làm tại xưởng và 5 - 6 người mang hàng về gia công tại nhà. Thu nhập tùy vào từng công đoạn, sức làm mỗi nhân công. “Tôi thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng từ công việc đan ghế (giăng sườn, đan dây). Nhờ làm công việc này, cuộc sống gia đình tôi tạm ổn”, bà Lê Thị Lữ, sinh năm 1960, làm tại xưởng đan ghế của chị Loan cho biết.
Có kinh nghiệm trong nghề, lớn tuổi nhất xưởng, bà Nguyễn Thị Hạp (75 tuổi) ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân nói: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi cố gắng làm hơn 10 cái ghế/ngày. Tôi chọn khâu phù hợp sức khỏe của mình làm để có thêm nguồn thu nhập chăm lo cho gia đình”.
Theo chị Loan, thời gian từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, ghế làm gấp nên phải tranh thủ toàn bộ thời gian cho công việc, thường thì kết thúc công việc hơn 8 giờ tối. Ngoài ra, chị Loan còn phối hợp với huyện mở 2 lớp nghề đan ghế nhựa, với 50 - 60 thành viên tham gia, đa phần là người dân địa phương. Sau khi hoàn thành lớp học, học viên được cấp chứng chỉ nghề.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Thạnh Tân Nguyễn Thị Ro cho biết: Mô hình đan ghế bằng dây nhựa của chị Nguyễn Kim Loan góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ ở địa phương. Mô hình cần được nhân rộng để chị em phụ nữ có thêm điều kiện tăng thu nhập, nhất là những chị còn sức khỏe nhưng hết độ tuổi lao động hay có hoàn cảnh khó khăn.
Bài, ảnh: Lê Đệ