Tiếp cận việc làm hiệu quả

09/03/2016 - 06:47

Phụ nữ xã Thành Triệu (Châu Thành) may giỏ nhựa để tăng thêm thu nhập.

Lao động nữ nông thôn luôn khao khát có thêm việc làm tại nhà để tăng thu nhập. Vấn đề đặt ra là làm sao để các chị có việc làm và việc làm đó phù hợp với từng địa phương, hoàn cảnh gia đình. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có những mô hình hay, những giải pháp thiết thực giúp hàng trăm chị tiếp cận việc làm hiệu quả.

Trao “cần câu”

Trao “cần câu” thay vì “con cá” là bài học kinh nghiệm thực tiễn để giúp lao động nông thôn có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Câu chuyện trao cần câu của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã và đang thực hiện từ năm 2014 đến nay là một minh chứng sinh động về việc trao, cách trao và cách câu.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, việc trước tiên là Hội xác định những ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các chị, ví dụ như nấu ăn, làm đẹp, đan đát, bó chổi, kết cườm, làm bảo mẫu, trồng trọt, chăn nuôi… Để thực hiện, Trung tâm Dạy nghề trực thuộc Hội phối hợp với các trường nghề trong và ngoài tỉnh đào tạo nghề phi nông nghiệp; đồng thời, kết hợp với các nghệ nhân trong tỉnh, Chi cục Thú y và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để đào tạo các ngành nghề nông nghiệp.

Xong bước đào tạo nghề, Hội tiếp tục quan tâm và lo việc làm cho các chị bằng cách tổ chức cho các chị chung ngành nghề liên kết thành tổ, nhóm hợp tác sản xuất. Điển hình như các tổ hợp tác trồng nấm tại xã An Ngãi Trung, An Phú Trung (Ba Tri). Đến nay, tổ hợp tác không chỉ trồng nấm để cung cấp cho thị trường mà còn có thể sản xuất các loại nấm giống (bào ngư, linh chi, nấm kim châm…) để bán cho một số tỉnh lân cận. Tương tự, các tổ như: tổ kiểng lá ở xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa (Chợ Lách); tổ nuôi heo sinh sản ở xã Hòa Lộc, tổ nuôi bò sinh sản ở xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc)… cũng đang hoạt động rất hiệu quả.

Đối với những sản phẩm chưa chủ động được đầu vào và đầu ra, Hội phối hợp, hỗ trợ địa phương kết nối với doanh nghiệp để giải quyết. Hiện nay, nhiều mô hình hoạt động theo hướng này rất hiệu quả như: nuôi bò sinh sản, bó chổi, đan giỏ nhựa, kết cườm, may công nghiệp, chế biến món ăn cho trẻ…

Tác động đúng hướng

Theo đuổi và thường xuyên giám sát hoạt động các mô hình để có giải pháp hỗ trợ kịp thời là kinh nghiệm quan trọng để Hội gặt hái thành công trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn. Bà Kiều Oanh chia sẻ: “Đối với những mô hình cần kinh phí nhưng các chị thiếu vốn thì Hội tích cực tìm các nguồn vốn từ Trung ương, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Hầu hết tổ, nhóm sản xuất có điểm chung là chưa phát huy được vai trò của ban quản lý nhóm cũng như năng lực hoạt động chưa đồng đều. Tùy từng lúc, Hội có những tác động kịp thời, đúng hướng, giúp các chị phát huy được khả năng của chính mình”.

Thời gian qua, tổ nuôi heo sinh sản đã được Hội giao vốn để mỗi chị đầu tư một con heo giống. Đồng vốn này không mất đi mà được luân chuyển bằng cách mỗi chị sẽ trả lại cho nhóm một con heo giống khác sau một năm để nhóm tiếp tục hỗ trợ cho chị khác. Do đó, mô hình mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Cách làm trên được áp dụng cho mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Tân Phú Tây với mức vốn ban đầu trên 1 tỷ đồng. Theo đó, ban đầu có 50 chị được hỗ trợ bò giống. Mặt khác, tổ cũng thành lập được nguồn quỹ riêng để làm tài sản chung của tổ. Hộ nhận được bò giống sẽ góp vào nguồn quỹ này 2 triệu đồng. Mục đích là để giúp nhau xoay vòng.

Với cách làm trên, Hội đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm thêm cho trên 90% lao động nữ sau đào tạo, giúp các chị tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ.

Bài, ảnh: C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích