Tàu vận tải bên ngoài cảng biển nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải ngày 24-4-2022. Ảnh: Reuters
Kênh CNN (Mỹ) ngày 6-5-2022 đưa tin một số thành phố Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, đã nơi lỏng biện pháp chống dịch COVID-19 trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đã phát sinh tổn thất và ngành vận tải biển toàn cầu sẽ chật vật cho đến mùa Hè. Tình trạng này sẽ gây áp lực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn “quay cuồng” vì xung đột Nga - Ukraine và khiến lạm phát tiếp tục tăng.
Tàu biển “bơ vơ” ngoài cảng Trung Quốc
Công ty Project44, chuyên theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu, thu thập dữ liệu cho thấy tình trạng chậm trễ trong vận tải biển giữa các cảng Trung Quốc và Mỹ, châu Âu đã tăng gấp 4 lần từ cuối tháng 3, kể từ khi Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải. Thành phố 26 triệu dân đã bắt đầu quá trình phong tỏa từ 28-3-2022.
Đến cuối tháng 4, các tàu biển từ Trung Quốc đến Seattle (Mỹ) mất thêm 4 ngày so với dự kiến để đến nơi. Trên thực tế, thời gian các tàu rời Trung Quốc để đến những cảng biển lớn trên thế giới đã tăng đều trong năm qua nhưng có dấu hiệu thuyên giảm kể từ tháng 12-2021. Tuy vậy, từ tháng 3 năm nay, quãng thời gian lại tăng trở lại.
Vấn đề càng thêm khó khăn khi nhiều người lái xe tải phải vất vả mới tới được các cảng ở Trung Quốc nhận container vì bị hạn chế di chuyển và yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Công ty vận tải biển Maersk trong tháng 4 cảnh báo rằng các dịch vụ vận tải đường bộ ở Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hạn chế này.
Ông Josh Brazil tại Project44 nhận xét: “Với ngành sản xuất bị đóng cửa ở Thượng Hải và các xe tải không thể di chuyển nhanh chóng, xuất khẩu đã theo chiều hướng giảm trong khi trì hoãn trong vận tải biển gia tăng”. Ông bổ sung rằng tình trạng chậm trễ sẽ duy trì đến các tháng mùa Hè bởi nhà máy ở Thượng Hải gặp khó khăn trong quay trở lại hoạt động bình thường.
Mặc dù giới chức địa phương đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi động lại sản xuất nhưng nhiều người lao động vẫn mắc kẹt tại nhà do phải cách ly. Các nhà máy mở cửa trở lại đang đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện và khó đảm bảo xe tải chở hàng ra vào cảng. Ông Josh Brazil nhấn mạnh: “Tình trạng chậm trễ trong vận tải biển mới chỉ bắt đầu và sẽ rõ ràng hơn, kéo dài thêm đến vài tháng tới”.
Cảng biển Thượng Hải vẫn mở cửa trong quá trình phong tỏa nhưng dữ liệu từ nhiều công ty vận tải cho thấy tình trạng tồn đọng tàu biển và container tăng. Phó thị trưởng Thượng Hải Zhang Wei thừa nhận rằng thành phố đang giảm sút hiệu quả về vận chuyển hàng hóa và logistic kém kể từ khi phong tỏa.
Tàu và container kẹt tại hàng loạt cảng biển
Xe tải chờ tại cảng ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 27-4-2022. Ảnh: Getty Images
Theo khảo sát của công ty dữ liệu Windward (Israel) ngày 5-5-2022, gần 20% tàu container trên toàn cầu hiện phải chờ đợi bên ngoài các cảng tắc nghẽn. Đáng chú ý là gần 1/4 số tàu chưa được cập cảng này, tương đương 412 tàu, đang mắc kẹt bên ngoài các cảng Trung Quốc, tăng 58% kể từ tháng 2. Windward kết luận rằng rõ ràng phong tỏa tại Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng kẹt cứng. 7 trong 10 cảng container hàng đầu thế giới nằm tại Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, Ningbo-Zhoushan, Thâm Quyến và Hong Kong.
Theo thống kê của CNN ngày 4-5-2022, khắp Trung Quốc, có 27 thành phố trong tình trạng phong tỏa toàn phần hoặc một phần, ảnh hưởng đến 185 triệu người dân khắp nước này. Ngày 5-5-2022, trong một cuộc họp các cấp chính phủ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về việc kiên quyết tuân thủ chính sách "Zero-COVID".
Ngoài cảng Thượng Hải, áp lực cũng đang gia tăng đối với những cảng khác của Trung Quốc, khi các tàu cố gắng tìm cảng thay thế để cập bến. Theo dữ liệu của công ty Anh Lloyd's List Intelligence, các tàu biển phải đối mặt với tình trạng chậm trễ ngày càng tăng bên ngoài cảng Ningbo-Zhoushan, cảng lớn thứ ba thế giới, kể từ cuối tháng 3. Các container cũng chất đống vì tình trạng thiếu xe tải.
Nhiều công ty Mỹ đã bày tỏ lo ngại về hỗn loạn mới tại các cảng biển của nước này, vốn đang phục hồi sau tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ nghiêm trọng mà họ phải chịu vào năm ngoái. Ông Shelley Simpson, lãnh đạo công ty dịch vụ vận tải JB Hunt cho biết tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều vào mùa Hè năm nay bởi điều xảy ra tại Trung Quốc.
Lạm phát toàn cầu tăng
Phó giám đốc S&P Global Market Intelligence, ông Daejin Lee nhận định tình hình tại Thượng Hải sẽ đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn trong năm nay. Theo ông Daejin Lee, lạm phát năm 2021 bắt nguồn từ 2 yếu tố, thiếu hụt nguồn cung các linh kiện quan trọng do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá cước vận tải container cao kỷ lục. Cả hai vấn đề này tiếp diễn đến năm nay. Xung đột Nga - Ukraine khiến lạm phát toàn cầu tăng thêm do giá nhiên liệu và nhiều mặt hàng quan trọng khác tăng.
Ông Lee bổ sung: “Trì hoãn kéo dài trong việc vận chuyển các bộ phận quan trọng bằng đường biển bắt nguồn từ tắc nghẽn cảng tại Trung Quốc có thể đẩy giá tiêu dùng tăng nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây”.
Maersk ngày 4-5-2022 đánh giá rằng giá cước sẽ tiếp tục tăng khi áp lực của chuỗi cung ứng vẫn còn. Theo công ty, tắc nghẽn trong các lĩnh vực như vận tải đường bộ và kho bãi ở Trung Quốc đã tạo ra "nút thắt cổ chai, dẫn đến khó khăn cho dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng". Giá cước vận tải trung bình của Maersk đã tăng 71% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức