Vùng ven biển phát triển nuôi cua biển vỗ béo trong ao đất

25/11/2011 - 07:56
Thu hoạch cua ở hộ ông Trần Văn Kiệm.

Hiện nay, nghề nuôi cua biển ở Bến Tre tuy không phát triển ồ ạt như nuôi tôm, nghêu nhưng đã mang lại hiệu quả cao đối với nhiều hộ ngư dân ven biển. Giá cua loại I (cua chắc) trên thị trường dao động từ 150.000đ - 190.000đ/kg. Tuy nhiên, thực tế số lượng cua loại I trong ao nuôi thường thấp, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là cua loại II (cua ốp), giá chỉ bằng một nửa cua loại I.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi cua biển, trong năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TT) đã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại cùng với xã Thừa Đức tổ chức thí điểm xây dựng mô hình nuôi cua biển từ cua loại II lên loại I trong ao đất. Điểm chọn để thực hiện mô hình là hộ ông Trần Văn Kiệm, ấp Thừa Long, xã Thừa Đức với qui mô 0,2ha mặt nước. Thời gian triển khai thí điểm mô hình từ tháng 9-2011. Đối tượng chọn là chủ hộ có vốn đối ứng 40%, có kinh nghiệm trong nuôi cua, có cơ sở vật chất đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật đặt ra của mô hình. TT hỗ trợ 40% con giống, 20% thức ăn và cử cán bộ kỹ thuật theo dõi hướng dẫn thực hiện.

Theo bà Lê Thị Chiến - cán bộ kỹ thuật TT, qui trình kỹ thuật nuôi cua loại II lên cua loại I không khó nhưng người nuôi phải tuân thủ theo đúng qui trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật: Trước khi thả nuôi, cần bơm cạn ao, sên vét bùn đáy ao, lấp hết hang hốc, bón vôi đáy ao liều lượng 4kg/100m2, phơi đáy ao trong thời gian 7-10 ngày. Rào lưới chắn xung quanh bờ ao và sử dụng chà cây bó thành từng bó rải xung quanh ao để cua có nơi mát mẻ sinh sống, ẩn nấp. Lấy nước vào ao độ sâu khoảng 1,2m, độ mặn từ 70/00. Giống từ nguồn cua được đánh bắt từ tự nhiên. Chọn cua giống khỏe mạnh, không bị bệnh, càng ngoe còn nguyên vẹn, cỡ giống từ 2 - 4 con/kg. Thả giống lúc trời mát, cắt bỏ dây buộc để cua tự bò xuống nước. Đây là cách để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cua, những con khỏe mạnh nhanh chóng chạy xuống nước, những con yếu thường nằm tại chỗ hoặc bò chậm, như vậy ta không thả các con đó xuống ao. Nên thả giống trong một con nước, đủ số lượng rồi chăm sóc. Cua nuôi trong ao chủ yếu dựa vào thức ăn cung cấp từ cá tạp, còng. Hàng ngày, cho cua ăn lượng thức ăn bằng 6% trọng lượng. Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối, vì vậy ta cho ăn cữ chiều chiếm 70%, cữ sáng 30% lượng thức ăn. Thức ăn được cắt ra từng miếng rồi rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau. Đặt nhá kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh kịp thời. Thay nước theo thủy triều để môi trường nước được trong sạch, giúp cho cua bắt mồi mạnh. Sau khi nuôi 14 - 20 ngày, kiểm tra nếu thấy cua chắc thịt thì thu hoạch, trọng lượng cua nuôi từ loại II lên loại I tăng 20%. Nên thu hoạch cua bằng hình thức câu, sau đó xả cạn nước ao bắt hết toàn bộ. Trong thời gian nuôi, không sử dụng thuốc kháng sinh, để sản phẩm cua nuôi là sản phẩm sạch. Kết quả tại hộ ông Kiệm, đợt I thả số lượng 645 con (168kg) cua loại II, mật độ nuôi 0,3 con/m2. Sau thời gian nuôi 20 ngày, thu hoạch được 200,7kg, bán tổng cộng 30,7 triệu đồng. Trong đó, 163,7kg cua loại I (giá bán 165.000đ/kg), 37kg cua loại II (giá bán 100.000đ/kg). Sau khi trừ chi phí ông Kiệm còn lãi 4,82 triệu đồng. Mô hình có tỷ lệ cua loại I chiếm 81,5%, năng suất đạt 1 tấn/ha. Đợt II, ông Kiệm thả 555 con (161kg), thu hoạch 190kg, giá bán trung bình 190.000đ/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 8 triệu đồng.

Theo khuyến cáo của TT, mô hình thành công về mặt kỹ thuật, hiệu quả về mặt kinh tế, thời gian nuôi ngắn nên cần được nhân rộng cho bà con trên địa bàn và các huyện ven biển (nơi có độ mặn từ 50/00 trở lên). Có thể nuôi cua luân canh với tôm sú hoặc tôm thẻ để giảm tỷ lệ rủi ro, cải thiện môi trường và tận dụng được những ao ở vùng nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Mô hình tạo ra sản phẩm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, mang tính ổn định và bền vững lâu dài. Cua giống được thu gom tại địa phương nên có khả năng thích nghi với môi trường nơi thực hiện mô hình. Điều kiện độ mặn lúc triển khai mô hình thả cua giống là 70/00 và hiện tại độ mặn giảm xuống còn 50/00 nhưng cua vẫn thích nghi và phát triển tốt. Người nuôi cua nên ngăn diện tích ao ra làm nhiều lô để mỗi đợt tiến hành thả một lô, thuận tiện cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch và tận dụng được hết diện tích ao để tăng năng suất. Trước khi thả cua, người nuôi phải kiểm tra con giống bằng cách nhấc chân bơi (chân chèo) thấy cua đánh mạnh thì thả để tránh tình trạng sau khi thả, cua yếu tỷ lệ sống thấp.

Trao đổi về việc thí điểm mô hình này, ông Nguyễn Xuân Quang Tuyến - Phó Giám đốc TT cho biết, nghề nuôi cua vỗ béo từ cua loại II lên loại I không phải là mới đối với ngư dân. Tuy vậy, thời gian qua, người nuôi chạy theo phong trào nuôi tôm nên không quan tâm, để nghề mai một dần. Cho nên, việc xây dựng mô hình lần này là để ngư dân có điều kiện phát triển nghề trở lại và có thể nhân đại trà. Mặt khác, đây là bước đệm để TTõ tiếp tục thí điểm mô hình nuôi cua loại I lên cua gạch điều, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.

           

           

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN