
Đồng chí Lê Minh Đào - Tỉnh đội trưởng đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp lại)
Ngày 27-1-1968, Trung ương Cục và Khu ủy miền Trung Nam bộ ra mật lệnh chỉ đạo cuộc Tổng tiến công đồng loạt vào các cơ sở đầu não của địch.
Ngày 28-1-1968, tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy thống nhất họp với các đơn vị vũ trang và các ngành để thông báo mệnh lệnh tổng tấn công và chỉ đạo việc triển khai thế trận sẵn sàng hành động khi có lệnh chính thức cho đồng loạt nổ súng vào giờ G, ngày N.
Phương án tác chiến
Tỉnh được Khu ủy Khu 8 chọn làm trọng điểm 2 khu. Chủ trương của Tỉnh ủy là “Dồn lực lượng đánh chiếm thị xã, rồi từ đó tỏa ra giải phóng nông thôn. Toàn bộ các xã nông thôn phải chớp thời cơ tự lực tấn công gỡ đồn bót địch. Phải dành ưu tiên cho chiến trường thị xã, khi trọng điểm thị xã cần gì thì các ngành phải sẵn sàng cung ứng và chấp hành thật nghiêm chỉnh”. Mục tiêu cuộc Tổng tiến công của tỉnh là thị xã Bến Tre, hướng tấn công chủ yếu là hướng Nam, từng mũi, từng hướng đã được Ban Chỉ huy thống nhất phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách.
Đêm 28, rạng 29-1-1968, các đơn vị của tỉnh được lệnh hành quân đến địa điểm tập kết. Lực lượng của hướng chủ yếu gồm Tiểu đoàn 516, 1 đại đội đặc công bộ, 2 trung đội đặc công thủy, 1 pháo 120 ly, 2 cối 82, 2 ĐKZ 75, 3 pháo 70 ly đều có mặt tập kết tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm cách thị xã 7km theo hướng Nam. Lực lượng thứ yếu 1 có Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4, 1 đại đội đặc công bộ đóng tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành cách thị xã 5km về hướng Đông. Lực lượng thứ yếu 2 có Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 đại đội đặc công đóng tại các xã Tam Phước, Tường Đa (Châu Thành) cách thị xã 8km về hướng Đông Bắc. Đến 22 giờ đêm 31-1-1968, các lực lượng ta chiếm lĩnh toàn bộ vị trí chiến đấu.
Tổng tấn công đợt 1
Đúng 2 giờ ngày 31-1-1968, cụm hỏa lực ở hướng chủ yếu bắn áp chế vào Dinh Tỉnh trưởng, vào trung tâm Sở Chỉ huy Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 và Tỉnh Đoàn bảo an, Tiểu khu và khu cố vấn Mỹ. Trung đội đặc công thủy ém quân sẵn tại bờ Bắc sông Bến Tre do Hoàng Lam chỉ huy nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng (bãi quân xa - khu vực Hội trường lớn UBND tỉnh hiện nay) diệt 6 thiết giáp và giữ đầu cầu cho Tiểu đoàn 516 vượt sông.
Tiểu đoàn 516 có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng, vượt sông bằng 70 chiếc ghe. Mũi 1 vượt sông cách Bến lỡ 100m, tiểu đoàn tiến theo đường Hùng Vương đến Bến lỡ. Địch trong Dinh Tỉnh trưởng bắn ra ác liệt; mũi 2 vượt sông tiến theo đường Nguyễn Huệ diệt một số tua, lô cốt, đánh thiệt hại nặng Đại đội Bảo an 289 và Trung đội dân vệ tại cầu Cá Lóc. Địch chiếm các cao điểm trên đường Phan Thanh Giản dùng trung liên, đại liên… bắn chặn lực lượng ta. Lực lượng của Tiểu đoàn 516 phải phân tán thành từng trung đội, tiểu đội, bám vào các căn nhà, dãy phố chiến đấu với địch.
Các đơn vị ở hướng thứ yếu 2 do một số tổ nữ vũ trang dẫn đường từ Bình Phú vào thị xã có nhiệm vụ hợp đồng chiến đấu với Tiểu đoàn 516. Vào đến nội ô, tổ dẫn đường đều hy sinh, Tiểu đoàn 2 lạc đường. Cùng lúc ở hướng thứ yếu 1, Tiểu đoàn 2 và 2 trung đội đặc công bộ chia thành 2 mũi. Một mũi đánh tiêu hao nặng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 10 ngụy tại Sân vận động và đánh hỏng Đài Phát thanh Bến Tre.
Tiểu đoàn 4 của ta bí mật tiếp cận bao vây đánh tiêu hao 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 10 tại vườn ươm cầu Bà Mụ. Một trung đội đặc công do Trung đội trưởng Phan Minh Thảo chỉ huy tập kích tại sân bay Tân Thành phá hủy 4 máy bay, diệt trận địa pháo. Đến 5 giờ sáng ngày 1-2-1968, tất cả các cánh, các mũi đồng loạt nổ súng, Đại đội đặc công đánh chiếm Sở Chỉ huy Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ngụy, giết chết tên trung tá trung đoàn trưởng, phá hủy 3 xe quân sự, bắt sống tên trung tá công binh. Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 10 từ Mỹ Hóa đánh vào thị xã giải vây cho Dinh Tỉnh trưởng. Ta chặn đánh chúng tại cầu Cái Cá gây thiệt hại nặng.
Đến sáng ngày 1-2-1968, ta làm chủ hoàn toàn thế trận. Trước tình thế đó, pháo hạm Mỹ đậu trên sông Hàm Luông và pháo từ căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho) bắn vào nội ô thị xã Bến Tre. Mỹ cho máy bay ném bom và trực thăng bắn phá hủy diệt khu chợ Bến Tre làm cho 300 đồng bào chết và bị thương.
Ngày 3-2-1968, địch chở 1 tiểu đoàn Mỹ từ Mỹ Tho sang định đổ xuống sân banh. Bộ đội phòng không ta bắn bị thương 1 chiếc, chúng phải quay lên sân bay Tân Thành.
7 giờ sáng ngày 4-2-1968, trực thăng chở 1 tiểu đoàn Mỹ từ Mỹ Tho sang đổ xuống cánh đồng Cây Da xã Phú Hưng. Tiểu đoàn Mỹ từ sân bay Tân Thành chia thành nhiều mũi hành quân xuống thị xã, chúng bị bộ đội đặc công và du kích đánh chặn dọc đường tới 11 giờ cùng ngày chúng mới đến được nội ô. Sau đó chúng chia thành nhiều mũi hành quân qua cầu Cá Lóc trên tỉnh lộ 26 và khi đến cách cầu Gò Đàng 500m, 1 đại đội Mỹ lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 516 và bị diệt gọn. 16 giờ cùng ngày, tiểu đoàn Mỹ từ Phú Hưng hành quân lên thị xã, đến cầu Cá Lóc chúng bị thiệt hại nặng. Tại vùng ven thị xã và huyện Châu Thành, bộ đội kết hợp với lực lượng chính trị, binh vận, bức hàng, bức rút nhiều đồn bót. Ta làm chủ một đoạn dài trên lộ 27, từ Thành Triệu đến Sơn Đông. Du kích và đặc công diệt đồn cống số 2 và cống số 3, cắt đứt liên tỉnh lộ 6A từ thị xã Bến Tre đi Mỹ Tho.
Tại thị trấn Mỏ Cày, trong đêm 31-1-1968, đại đội địa phương quân và trung đội đặc công huyện diệt đồn Việt Hoa, dân vệ đồn Cầu Chợ bỏ chạy. Ta chiếm dãy phố Trường Trung học Hàm Luông, chọc thủng tuyến phòng ngự ngoài chi khu. 7 giờ sáng hôm sau, đại đội bảo an do tên Quận trưởng Mỏ Cày chỉ huy bung ra phản kích bị chặn đánh tại ngã ba Thom, tên Quận trưởng và 1 trung đội bị diệt, số còn lại tháo chạy. Ta chiếm công sở Đa Phước Hội và làm chủ chợ Mỏ Cày. Địch bị dồn vào chi khu. Chiều ngày 2-2-1968, 200 quần chúng họp mít-tinh mừng chiến thắng tại chợ Mỏ Cày.
Riêng phía Chợ Lách, trong 9 ngày đêm tiến công và nổi dậy, ta đã tiêu diệt, bức rút, bức hàng 40 đồn bót, giải phóng 4 xã, 25 ấp vùng yếu, với 45 ngàn dân từ xã Phú Phụng tới Đồng Phú, sát sông Tiền, ngang thị xã Vĩnh Long.
Tổng tấn công đợt 2
Đợt II, tổng tiến công diễn ra vào tháng 5-1968, địch sử dụng quân Mỹ và quân chủ lực Sư đoàn 7 đánh ra các xã vùng ven thị xã, nhằm đẩy lực lượng vũ trang của ta lùi xa ra ngoài. Ở khắp nơi trong tỉnh, địch phản kích rất quyết liệt để giành lại thế chủ động, không để ta chia cắt chiến trường và mở những trận đánh lớn. Về ta, với thắng lợi của đợt I, ta vẫn giữ vững thế vây ép thị xã và đợt II ta đánh lớn với các đơn vị chủ lực của Mỹ và ngụy hành quân ra vùng ven, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Nổi bật nhất là trận đánh ở xã Hữu Định và đánh tàu địch hành quân trên sông Ba Lai thuộc huyện Châu Thành.
Từ đợt II đến cuối năm 1968, địch tập trung sức phản kích, chiến trường Bến Tre hết sức căng thẳng, bộ đội ta phải đội bom pháo địch mà đánh. Từ tháng 7 đến tháng 11-1968, ta và địch diễn ra nhiều trận đánh lớn, trên sông Giồng Trôm, các đội săn tàu, đặc công thủy của ta diệt hàng loạt tàu chiến của Mỹ, biến dòng sông này thành dòng sông nổi tiếng “Bạch Đằng giang thời đại”. Cuối năm 1968, hai đợt tổng tiến công kết thúc, ta tập trung các đơn vị chủ lực về căn cứ Giồng Trôm để củng cố và kiện toàn tổ chức, chuẩn bị điều kiện để trực diện đánh nhau với quân Mỹ khi chúng tràn ra yểm trợ cho quân ngụy phản kích và tái chiếm nông thôn.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Bến Tre đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch (kể cả Mỹ và ngụy), phá hỏng 126 tàu chiến, 97 máy bay, nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, triệt hạ 195 đồn bót, thu hàng ngàn súng các loại, giải phóng thêm 13 xã với 72.800 dân, đóng góp về trên 3 tiểu đoàn quân.
Bài 4: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”
Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy