BDK - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực trong đời sống. Vai trò, vị trí của khu vực dịch vụ được Chính phủ nhấn mạnh với mục tiêu “Phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế...”. Thời gian qua, tại tỉnh, việc phát triển khu vực dịch vụ đã tác động đến ngành dịch vụ công nghệ số trên địa bàn tỉnh, tạo sự khởi đầu và chuyển biến tích cực cho nhiều ngành khác.
Trải nghiệm tại không gian bản đồ số xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre.
Khu vực chủ chốt
Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là Chiến lược) đã đưa ra mục tiêu: Phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, ngang bằng với nhóm các quốc gia phát triển trong ASEAN-4, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Các mục tiêu phải được thực hiện theo định hướng: Đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics, thương mại, du lịch... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP.
Để thực hiện kế hoạch, chiến lược trên, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Theo đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 7,8%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đạt 42,68%; tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 75%; phấn đấu 90% phí dịch vụ công được thanh toán qua ngân hàng; tỷ lệ người dùng Internet là 95%; tỷ lệ thuê bao internet băng thông rộng có dây là 80%; thuê bao Internet băng thông rộng không dây là 825.520 thuê bao; thuê bao điện thoại cố định 25.352 thuê bao và thuê bao điện thoại di động 2.134.515 thuê bao; đào tạo nghề cho khoảng 11.000 người, trong đó, đào tạo các ngành nghề liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ chiếm 35 - 40%.
Bên cạnh đó, tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể với, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 12% nhu cầu đi lại của tỉnh; tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 5%. Giá trị sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trong 8,5% GRDP; phát triển mới 15 tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tổng khách du lịch phấn đấu đạt 2,3 - 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 40 - 45%; tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của tỉnh phấn đấu đạt 6% trở lên. Đến năm 2025 đạt 33,3 giường bệnh và 10,48 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,51% dân số.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 12 - 13%; tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45,5% GRDP của tỉnh. Giai đoạn sau năm 2030 khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh.
4 ngành dịch vụ ưu tiên
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Công tác triển khai, thực hiện Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 theo công bố của Tổng Cục thống kê là 5,68%; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 6,29%; cơ cấu kinh tế khu vực III đạt 41,93%.
Theo nhận định của UBND tỉnh, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhờ thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đã tác động đến một số ngành dịch vụ công nghệ số trên địa bàn tỉnh và mang lại sự khởi đầu, chuyển biến tích cực đối với các ngành: tài chính, ngân hàng; logistics, vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; du lịch. thương mại... góp phần tác động đến sự tăng trưởng của khu vực III.
Cụ thể, ở 4 ngành dịch vụ ưu tiên, gồm: Dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ logistics và vận tải, dịch vụ du lịch. Ở dịch vụ tài chính - ngân hàng, đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,3 triệu tài khoản ngân hàng được mở, trong đó, có 26,3% tài khoản được mở bằng phương thức điện tử. Có 44.137 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả thực hiện giao dịch đạt khoảng 78 triệu giao dịch không dùng tiền mặt với tổng giá trị lên đến 760 ngàn tỷ đồng, tăng 35% về số lượng và tăng 25% về giá trị so với năm 2023, trong đó, thanh toán qua QR Code tăng vượt bậc với 4 triệu giao dịch, tăng 130%.
Ở dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mang lại hiệu quả, đảm bảo được tính kết nối. Các thủ tục hành chính (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, huyện, xã đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (https://dichvucong.bentre.gov.vn) và tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỉnh chú trọng đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Chỉ đạo thực hiện tốt việc bảo trì, nâng cấp Trang thông tin điện tử du lịch Bến Tre; đang vận hành thử nghiệm bản đồ số du lịch Bến Tre trên nền tảng ứng dụng web Portal và ứng dụng App Mobile; đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh tỉnh Bến Tre” giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Trong 5 năm (2021 - 2025), dự kiến tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 9.046.071 lượt, tăng 98% so với giai đoạn 2016 - 2020. Tổng thu từ du lịch ước đạt 11.463 tỷ đồng, tăng 34% so với giai đoạn 2016 - 2020.