BDK - Có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, có nhà máy chế biến sâu nhưng chính khoảng trống mênh mông trong việc đưa trái dừa từ vườn của người nông dân đến doanh nghiệp (DN) chế biến đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi giá trị. Gần đây, dừa khan hiếm, giá liên tục tăng cao khiến hàng loạt nhà máy chế biến dù đặt trụ sở ở giữa thủ phủ dừa vẫn phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Sơ chế dừa tươi tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Bài học kinh nghiệm
Những ngày đầu năm 2025, giá dừa khô tại tỉnh liên tục tăng, có lúc đạt mức 145.000 đồng/chục (12 trái) làm cho nhiều nông dân phấn khởi. Thương lái các nơi đổ về cạnh tranh mua để cung ứng cho các đầu nậu chở đi các nước tiêu thụ khiến giá dừa ngày càng tăng. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa lâu nay tại địa phương. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vang Quới Đông (Bình Đại) Phạm Hữu Thuận cho biết: “Gần đây, thương lái về địa phương cạnh tranh không lành mạnh khiến việc thu mua dừa khô của HTX gặp nhiều khó khăn. Trong khi HTX phải đóng thuế theo quy định, phải xây dựng vùng nguyên liệu, còn thương lái “vào hái quả” rồi bỏ đi tạo sốt giá. Việc này kéo dài sẽ phá vỡ liên kết giữa nông dân với HTX, tạo nên sự phát triển không bền vững của cả vùng nguyên liệu”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã Sơn Phú (Giồng Trôm) khi hàng loạt thương lái tranh mua, tranh bán đẩy giá nguyên liệu lên cao. Nhiều năm xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với diện tích 286ha và liên kết với DN để tiêu thụ, chế biến xuất khẩu, HTX Nông nghiệp Sơn Phú đang phải đối mặt cạnh tranh với các thương lái. “Chỉ trong vòng vài tháng, giá dừa nguyên liệu bị đẩy lên tăng hơn gấp đôi. Nguyên nhân chính là thương lái không đóng thuế, chỉ thu gom cho các đầu nậu đóng container chở sang Trung Quốc tiêu thụ nên sẵn sàng nâng mọi giá để mua được hàng. Thương lái tràn về khiến HTX không thể cạnh tranh được trong chính vùng nguyên liệu mình đã đầu tư”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn Phú Nguyễn Văn Hây cho hay.
Nông dân tỉnh từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với giá dừa khô. Gần đây nhất là giữa năm 2022 đến đầu năm 2023, giá dừa nguyên liệu tại tỉnh chỉ còn hơn 10.000 đồng/chục, nhiều hộ đã phải để dừa rụng đầy gốc vì tiền bán không đủ trả công thu hái. Trồng dừa từ năm 1970, ông Trần Văn Rành (xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm) cho biết: “Giá dừa từng lên cao rồi lại xuống rất thấp nên nhiều người quay lưng chuyển đổi cây trồng. Gần đây cây dừa phát triển ổn định hơn, bà con rất phấn khởi. Như gia đình tôi liên kết với HTX trồng dừa hữu cơ, bán cao hơn từ 10 - 15% giá dừa thường trên thị trường nên rất an tâm. Những ngày này nguyên liệu khan hiếm, thương lái liên tục vào nâng giá, cũng có hộ vì lợi nhuận trước mắt đã phá vỡ liên kết với HTX. Mua bán như vậy khó bền”.
Cần bảo vệ chuỗi liên kết
Năm 2018, bà Hà Lục Hoa, một nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đến Việt Nam đầu tư phát triển 2 nhà máy chế biến dừa xuất khẩu. Trong đó một nhà máy đặt tại Bến Tre (Công ty TNHH dừa Hoa Mỹ) và một nhà máy đặt ở Trà Vinh (Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Hoa Việt). Công việc kinh doanh nhiều năm diễn ra thuận lợi cho tới tháng 7-2024, giá dừa liên tục tăng đột biến khiến sản xuất của hai nhà máy đình trệ. Bà Hà Lục Hoa cho biết: Để giữ uy tín với đối tác, DN đã chấp nhận nhập nguyên liệu giá cao, chịu thua lỗ hàng chục tỷ đồng nhưng có thời điểm cũng không mua được đủ nguyên liệu sản xuất. Đến nay, nhà máy chỉ còn hoạt động cầm chừng 20% công suất, công nhân buộc phải nghỉ việc… DN không sản xuất được hàng để trả đối tác theo hợp đồng đã ký kết cả năm, cũng không còn đủ tiền để duy trì bù lỗ, nếu kéo dài sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản.
Gần đây, hàng loạt các DN chế biến trong ngành dừa gặp phải khó khăn về nguyên liệu. Bình thường theo dòng Hàm Luông và các xe vận chuyển dừa đổ về kín khu sơ chế nhà máy Beinco. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá dừa lên cao, 4 - 5 ngày Beinco mới thu đủ nguyên liệu để vận hành máy một lần. Tại các nhà máy khác như Lương Quới, Betrimex... tình hình cũng không khả quan hơn.
Gần 40 năm gắn bó với cây dừa, đi khắp các nước để tìm cách mở rộng thị trường, lần đầu tiên doanh nhân Trần Văn Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Beinco rơi vào cảnh tréo ngoe “lo nợ hàng hơn nợ tiền” bởi nợ hàng là nợ uy tín, nợ cam kết năng lực sản xuất với đối tác. Chia sẻ về ngành dừa Việt Nam, ông Đức kể: Trước kia, người dân chỉ biết lấy cùi phơi khô rồi bán cho các cơ sở ép dầu, nước đa phần bỏ đi rất lãng phí. Công nghiệp chế biến lạc hậu, dừa chỉ trông chờ vào bán nguyên liệu thô nên cứ được mùa mất giá, được giá mất mùa. Để gia tăng giá trị cho cây dừa, không có cách nào khác ngoài phát triển công nghiệp chế biến.
“Chỉ trong vòng hơn 10 năm nay, tỉnh đã hình thành thủ phủ với hơn chục nhà máy chế biến sâu. Công nghiệp chế biến dừa phát triển nhưng chính sách bán nguyên liệu thô chưa thay đổi dẫn đến những đứt gãy trong chuỗi giá trị như hiện nay”, ông Đức lý giải.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô được xuất khẩu với thuế suất 0% nên nhiều DN đặt cơ sở chế biến sơ rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Đây là nguyên nhân gây thiếu nguyên liệu khiến nhiều DN chế biến dừa của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ Indonesia về sản xuất. Tuy nhiên từ ngày 1-1-2025, Indonesia đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến tại đây.
Cách đây hơn chục năm, khi giá dừa liên tục tăng cao, Việt Nam đã từng đánh thuế xuất khẩu nguyên liệu dừa khô. Kết quả là sau khi triển khai, giá dừa đã rớt thê thảm chỉ còn 300 - 500 đồng/trái. Lo ngại câu chuyện tương tự sẽ lặp lại là có cơ sở, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện tại đã khác. Ngành công nghiệp chế biến dừa của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu, đủ năng lực hấp thụ vùng nguyên liệu rộng lớn.
TS. Nguyễn Hùng Cường - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Chính khoảng trống mênh mông trong việc đưa dừa từ vườn người nông dân đến DN sản xuất đã tạo ra sự phát triển thiếu bền vững của chuỗi giá trị. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã quy hoạch chi tiết vùng trồng tập trung. DN muốn phát triển bền vững cần sớm lập đề án vùng trồng trình UBND các tỉnh phê duyệt. Có được quy hoạch chi tiết vùng trồng, có cam kết thể hiện trách nhiệm ràng buộc với người nông dân mới có cơ sở để bảo vệ vùng nguyên liệu.
“Đánh thuế để bảo vệ nguyên liệu trong nước cũng chỉ là một giải pháp. Câu chuyện được mùa mất giá phải được giải quyết bằng cách tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. Đến lúc ngành dừa Việt Nam phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải hạ giá. Các DN cần có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường sau đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện nay”.
(TS. Nguyễn Hùng Cường - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)