Bông hoa đẹp của tình hữu nghị Việt - Xô

03/11/2017 - 08:01

Tác giả và ông Thành Nga tại lễ kỷ niệm ngày xuất quân Tiểu đoàn 307.

Nhân kỷ niệm ngày xuất quân của Tiểu đoàn 307 tại tỉnh nhà, ngoài sự có mặt khá đông đủ sĩ quan và chiến sĩ Tiểu đoàn 307 năm xưa còn có một vị khách mời rất đặc biệt, đó là chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, cuộc đời của ông như một huyền thoại. 

Ông tên là Skrinski Platon Alekxandrovich, sinh năm 1922, tại Ukraina. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập vào Hồng quân Liên Xô năm 1941. Mùa xuân 1942, ông bị quân Đức bắt làm tù binh tại mặt trận Khắc-cốp và sau đó bị động viên vào quân lê dương của Pháp.

Năm 1946, ông bị đưa sang chiến trường Đông Dương và đã đóng quân nhiều nơi như Sài Gòn, Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre. Ông đã từng chứng kiến bao tội ác dã man do bọn thực dân Pháp gây ra. Ở Vĩnh Long, ông đã móc nối cơ sở hoạt động bí mật để ra vùng tự do nhưng bất thành và sau đó ông được điều về Bến Tre. Tìm cách liên lạc với cơ sở cách mạng và ngày 17-8-1947, ông đã mang vũ khí ra vùng giải phóng, rồi được tổ chức phân công ở Đội công tác 1 thị xã Bến Tre, đơn vị hoạt động tại thị xã và vùng ven. Ông đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ và cũng nơi đây ông có cái tên là Nguyễn Văn Thành, hay còn gọi là Thành Nga.

Vốn cần cù, điềm đạm, tận tụy, trách nhiệm, ông được đồng đội tin cậy, nhân dân yêu thương. Một người con gái xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre tên Colette Mai đem lòng yêu thương ông. Được sự ủng hộ của đơn vị, sự giúp đỡ của bà con, lễ cưới hai người diễn ra tại xã Nhơn Thạnh. Trong ngôi nhà đơn sơ do bà con góp sức xây dựng, nơi mái ấm hạnh phúc ấy, đến tháng 8-1949 cô con gái Janie ra đời. Trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh ác liệt, mẹ con cô đã di tản ra sống hợp pháp ở thị xã Bến Tre. Còn riêng ông được chuyển công tác về một đơn vị trợ chiến thuộc Trung đoàn Cửu Long.

Đến đầu năm 1953, ông tình nguyện xin về Tiểu đoàn 307, được phân công làm Khẩu đội trưởng súng cối 60 ly và tham gia chiến đấu đến ngày đình chiến (tháng 7-1954). Trong thời gian chuyển quân tập kết, Thành Nga được phân công làm phiên dịch trên tàu Xtaropon của Liên Xô đã nhiều lượt ra Bắc vào Nam; xong nhiệm vụ, ông trở về đơn vị cũ đóng quân tại Thanh Hóa. Rồi sau đó cháu Janie được đưa ra Hà Nội, Thành Nga và con gái sống chung một thời gian trong ngôi nhà ở cạnh Hồ Tây.

Ngày 10-5-1955, theo sự thỏa thuận của chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô, Thành Nga cùng cô con gái trở về với quê hương mình. Ông nhận công tác ở Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh Mát-xcơ-va cho đến lúc về hưu và ông cũng là dịch giả giới thiệu quyển “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán với độc giả Liên Xô.

Cô con gái Janie sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va cũng tiếp nối con đường của cha, công tác ở Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh Mát-xcơ-va. Năm 1988, Janie về thăm lại quê ngoại ở Bến Tre viếng mộ bà ngoại, mẹ và gặp lại những người thân đã từng bảo bọc mẹ con cô trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Cuộc viếng thăm này để lại cho cô nhiều xúc động sâu sắc với tình nghĩa cảm thương và quý mến của bà con,  những người đồng chí của cha mình.

Cuộc đời Skrinski Platon Alekxandrovich - Thành Nga đầy gian truân sóng gió như một trang huyền thoại, ông là một bông hoa đẹp làm thắm tươi thêm tình hữu nghị của hai nước Việt - Xô.

(Bài viết có tham khảo sách Địa chí Bến Tre)

Vũ Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích