
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của chị Trương Thị Yến, ấp Phú Thuận, xã Thuận Điền.
Chỉ vào khoảng đất kế bên chuồng đang có 2 con dê cái sinh sản, chị Yến cho biết: “Dê cái sinh sản đang rẻ, dự kiến, tháng nữa tôi làm chuồng và mua thêm vài con nữa về nuôi. Hai vợ chồng tôi rất thích chăn nuôi. Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, đi làm thuê, làm mướn thì bữa có, bữa không, được UBND xã Thuận Điền hỗ trợ vốn là chúng tôi mua liền 2 con dê cái về nuôi. Vợ chồng tôi nghèo là vì ít đất, không vốn sản xuất, kinh doanh, có 2 con dê sinh sản này, chúng tôi mừng lắm”.
Bà Trần Thị Minh Thơ - cán bộ quản lý nhà nước về trẻ em, giảm nghèo và xã hội xã Thuận Điền cho biết: Thực hiện 3 chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy, trong đó, có chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm; các văn bản chỉ đạo của huyện, của ngành cấp trên, hàng năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu quốc gia xã đã cụ thể hóa để chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã tổ chức, triển khai thực hiện. Thường xuyên củng cố, bổ sung thành viên BCĐ, có sự phân công, giao việc cụ thể cho các ngành, đoàn thể, từng thành viên phụ trách, hỗ trợ, theo dõi giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng mô hình sinh kế phù hợp, thể theo nguyện vọng của từng hộ.
Theo bà Trần Thị Minh Thơ, với phương châm “Cùng bàn, cùng nghĩ, cùng làm” với người nghèo, hàng năm, địa phương đều tổ chức họp mặt, đối thoại với người nghèo để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó xây dựng mô hình sinh kế phù hợp. Do đặc thù kinh tế của xã là trồng dừa và xen các loại cây có múi, nên người dân còn tận dụng để chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò và dê sinh sản. Từ năm 2021, 2022 và cả trong năm 2023, BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia xã vẫn tiếp tục đăng ký xây dựng mô hình sinh kế về chăn nuôi cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương. Xã đã hoàn tất hồ sơ và đang chờ phê duyệt. Từ các mô hình xây dựng của các năm trước cho thấy, việc chăn nuôi dê sinh sản giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, mặc dù giá dê thịt xuống thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chăn nuôi của bà con, nhưng bà con vẫn lạc quan và mong muốn được hỗ trợ vốn, con giống để chăn nuôi.
Phó chủ tịch UBND xã Thuận Điền Nguyễn Thanh Phong cho biết: Qua rà soát, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, toàn xã có 136 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 67 hộ nghèo, hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ; 4 hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người dân tộc; 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động; 2 hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công. Qua khảo sát, phân tích, đánh giá từ thực tế, có 33 hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất sản xuất, thiếu vốn; 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động; 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt, sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành, đoàn thể, các thành viên trong BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia xã, sự quan tâm của trên, công tác chăm lo cho người nghèo trên địa bàn xã được quan tâm đúng mức, việc thực hiện các chính sách xã hội về y tế, nhà ở, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, về trợ giúp xã hội… đều được đảm bảo với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bằng nhiều nguồn kinh phí vận động, địa phương đã xây dựng và bàn giao 21 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 53 triệu đồng/năm. Đến nay, Thuận Điền đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới, các tiêu chí còn lại đạt từ 60 - 85%. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, phấn đấu đến năm 2024, Thuận Điền đạt xã nông thôn mới.
“Tính đến cuối năm 2022, toàn xã còn 98 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,08%, 38 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,97%. Trong đó, nếu trừ đi số hộ hưởng bảo trợ xã hội và không có khả năng lao động, thì tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,9%. Đây là kết quả đạt được rất quan trọng của địa phương từ những mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững”.
(Cán bộ quản lý nhà nước về trẻ em, giảm nghèo và xã hội xã Thuận Điền Trần Thị Minh Thơ)
|
Bài, ảnh: Thành Lập