BDK - Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng, một nét đẹp văn hóa truyền thống trong các cơ quan, đơn vị, trường học, các lực lượng vũ trang… và là một trong những cách thể hiện tình yêu thiêng liêng đối với Tổ quốc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Qua đó, nhắc nhở mọi người quyết tâm phấn đấu rèn luyện, học tập, thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nét đẹp công sở.
Học sinh Trường THPT Che Guevara (Mỏ Cày Nam) chào cờ nhân dịp khai giảng năm học mới. Ảnh: T. Thảo
Thúc giục thi đua học tập, rèn luyện
Được tham dự những buổi lễ chào cờ ở cơ quan, đơn vị hôm nay, tôi không sao quên được những buổi lễ chào cờ khi còn là học sinh. Khi là học sinh tiểu học, tôi đã rất thích các buổi lễ chào cờ, vì đó là quy định của nhà trường, đồng thời cũng rất vui mừng khi chào cờ có phần biểu dương “Cháu ngoan Bác Hồ” dưới cờ, nên tôi luôn cố gắng phấn đấu học tập và tham dự đầy đủ các buổi lễ chào cờ, như thói quen vào thứ Hai hàng tuần không đợi má kêu thức dậy mà tự giác thức dậy thật sớm, chuẩn bị tập sách, bơm mực đầy đủ, rồi chọn bộ đồ đẹp nhất để dành thứ Hai mặc dự lễ chào cờ (chỉ là áo trắng, quần đen, không có đồng phục như bây giờ). Đoạn đường đi bộ từ nhà đến trường khoảng 30 phút, tôi vừa đi vừa nhẩm lại bài Quốc ca và đến trường lúc nào không hay. Đến lễ chào cờ, học sinh xếp hàng ngay thẳng, tuy tuổi thiếu niên nhi đồng nhưng các bạn rất ngoan, không đùa giỡn, nói chuyện, tất cả đều quay mặt về hướng cột cờ, nhà trường cử hai thầy giáo trẻ để kéo cờ, giọng thầy hiệu trưởng vang lên “Chào cờ... Chào!” thì mọi người cùng đồng thanh “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…” hùng hồn, khí thế, bạn nào cũng cố gắng hát to, hát rõ như để thầy cô nghe được giọng hát của mình.
Khi lên cấp II (THCS), thì chào cờ càng ý nghĩa hơn, càng vui hơn, bởi có đội trống trường, đây là những bạn học sinh giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ được tuyển chọn từ các lớp và tập luyện thường xuyên. Người kéo cờ là Ban Chỉ huy Liên đội, tiếng trống đội hòa với lời bài Quốc ca tạo nên một âm thanh rộn ràng, như thúc giục tuổi trẻ xung phong làm nghìn việc tốt. Sau phần nghi thức chào cờ, các đội viên xuất sắc được mời lên tuyên dương hoặc lễ kết nạp đội viên mới hay trao giấy chứng nhận “Cháu ngoan Bác Hồ”… nên buổi chào cờ rất thiêng liêng và là một niềm vui, một sự động viên, khích lệ học sinh học giỏi, chăm ngoan và trở thành niềm mong đợi của tất cả học sinh.
Đến cấp III (THPT) thì lễ chào cờ đầu tuần theo buổi học của các khối lớp, lúc bấy giờ đất nước đã bớt khó khăn, gia đình cũng phần nào sắm sửa cho con em đến trường tươm tất hơn, các bạn nữ sinh mặc áo dài trắng đồng phục, các bạn nam thì áo sơ mi trắng đóng thùng, nên buổi lễ chào cờ rất nghiêm túc, trang trọng. Tất cả thầy cô giáo và học sinh đều hát Quốc ca bằng lời. Sau nghi thức chào cờ là nhận xét kết quả học tập trong tuần của nhà trường và sơ kết thi đua giữa các khối, các lớp và Bí thư Đoàn trường sẽ phát động phong trào, hoạt động của Đoàn thanh niên… Buổi lễ chào cờ ở trường cấp III tuy không rộn ràng, sôi nổi như cấp I, cấp II nhưng rất sâu lắng và mang một điều gì đó thiêng liêng, thúc giục lớp thanh niên chúng tôi hăng hái thi đua học tập, rèn luyện, 100% học sinh của trường đều phấn đấu được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và cũng từ những buổi lễ chào cờ, những phong trào, cùng với sự dạy dỗ, giáo dục của thầy cô giáo mà lứa tuổi thanh niên cấp III chúng tôi rất nhiều bạn đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia xây dựng quân đội, công an, góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Giáo dục lòng tự hào dân tộc
Chính những buổi lễ chào cờ ở trường học năm xưa là những kỷ niệm in sâu vào tâm thức của mỗi chúng tôi để hôm nay, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chào cờ và hát Quốc ca. Đặc biệt, khi có quy định lễ chào cờ và hát Quốc ca trong cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, trường học các cấp (LLVT có quy định riêng) đến nay chúng ta đã duy trì thường xuyên và trở thành nền nếp việc tổ chức lễ chào cờ vào đầu giờ sáng thứ Hai hàng tuần. Buổi chào cờ được quy định thống nhất từ thời gian, thành phần, trang phục, hát quốc ca hoặc thu âm bài hát Quốc ca trên nhạc nền… để tất cả cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động chủ động sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ (trừ những đồng chí đi công tác). Một số sở, ngành đã tập hợp được các đồng chí cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu hoặc công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn… đã tạo thành nền nếp, tính tự giác, trang nghiêm của mỗi người, thể hiện niềm tự hào, thiêng liêng đối với Tổ quốc. Nhờ vậy mà mỗi sáng thứ Hai, tất cả cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động sắp xếp thời gian, có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 7 giờ để đúng 7 giờ là tập trung đầy đủ thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca. Trên gương mặt mỗi người đều vui tươi, phấn khởi, tự hào, như được tiếp thêm năng lượng cho một tuần làm việc mới hiệu quả hơn.
Việc tổ chức và duy trì nghiêm túc lễ chào cờ hàng tuần ở các cơ quan, đơn vị, nơi công sở, trường học đã trở thành nền nếp sinh hoạt chính trị, là việc làm cần thiết để góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khơi dậy tinh thần tự giác, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, phấn đấu tự học, tự rèn. Lễ chào cờ vào thứ Hai đầu tuần tuy là một việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa và hiệu quả rất lớn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, người lao động chấp hành nghiêm các quy định, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, Nhà nước, nội quy của đơn vị gắn với nhiệm vụ chuyên môn và trách nhiệm công dân ở nơi cư trú.
Lễ chào cờ hàng tuần cần căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, trường học có thể nghiên cứu lồng ghép thêm nội dung sau nghi thức chào cờ phù hợp như chọn lọc một chủ đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hoặc biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc làm theo Bác, tuyên dương gương người tốt việc tốt… sẽ nâng cao ý nghĩa thiết thực, tầm quan trọng và sự trang nghiêm, phong phú, hấp dẫn của buổi lễ chào cờ đầu tuần.