Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2-2021

01/02/2021 - 12:39

Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020, dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2-2021.

Năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020.

Năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020.

Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020

Nghị định 145/2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-2-2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1-1-2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019 ngày 15-11-2019 của Chính phủ.

Như vậy, năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Viên chức dôi dư bị tinh giản biên chế khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công

Theo Điều 37 Nghị định 150/2020/NĐ-CP, tại thời điểm xác định giá trị mà đơn vị sự nghiệp công lập không bố trí được việc làm tại công ty cổ phần theo phương án sử dụng lao động thì các đối tượng làm việc tại đây được hưởng chính sách:

- Viên chức, viên chức quản lý: Hưởng chính sách tinh giản biên chế.

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: Hưởng chính sách với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Nghị định 150/2020 có hiệu lực từ ngày 15-2-2021.

Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip

Thông tư 22/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ 16-2-2021 sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 ngày 30-6-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, từ 31-3-2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Bank Identification Number - số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31-12-2021 thay vì ngày 31-12-2020 như quy định cũ.

Như vậy, từ 31-3-2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip.

Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 152/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Căn cứ Điều 7 Nghị định này, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:

Người lao động nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại ví trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 1 năm…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2021.

Quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

Có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ.

Theo đó, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút vào thời giờ làm việc. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Xây nhà ở có thời hạn được cấp quyền sở hữu nhà ở

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 148/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 8-2-2021.

Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 148/2020, hộ gia đình, cá nhân trong nước được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, so với quy định cũ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014, Nghị định mới đã công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (xây dựng tạm).

Ngoài ra, Nghị định này còn một số nội dung nổi bật khác như: Được làm thủ tục cấp sổ đỏ nhanh, tại nhà; thêm cơ quan được quyền nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ là Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai…

Quy định mới về cấp giấy phép hoạt động báo chí

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-2-2021, Thông tư 41/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.

Điều chỉnh tăng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản

Có hiệu lực thi hành từ ngày 4-2-2021, Thông tư 108/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản. Theo đó, khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản sẽ được điều chỉnh tăng so với hiện nay.

Cụ thể, khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho một hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá thành được quy định như sau:

a) Mức thù lao tối thiểu: 1.000.000 đồng/1 hợp đồng;

b) Mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không vượt quá 400.000.000 đồng/1 hợp đồng.

Như vậy, mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được điều chỉnh tăng từ 300.000.000 đồng/1 Hợp đồng lên 400.000.000 đồng/1 hợp đồng.

P. Nghi (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Chính sách mới

BÌNH LUẬN