Cúc mâm xôi nuôi cấy mô được nông dân Chợ Lách trồng khảo nghiệm.
Chuyển đổi nguồn giống
Cúc mâm xôi có thời gian trồng dài. Vụ cúc mâm xôi thường bắt đầu từ khoảng rằm tháng Sáu (âm lịch) khi nông dân bắt đầu ra cây để chuẩn bị cho kịp Tết Nguyên đán. Từ trước đến nay, việc nhân giống cúc mâm xôi thường chủ yếu được thực hiện theo cách cắt cành giâm. Vì vậy, cúc mâm xôi dễ mắc bệnh, khó chăm sóc. Theo chia sẻ của nhiều nông dân chuyên trồng cúc mâm xôi ở huyện Chợ Lách, việc sản xuất cúc mâm xôi truyền thống thường cho tỷ lệ đạt lý tưởng khoảng 80%, nếu không thuận lợi thì chỉ ở mức từ 40 - 50%.
Theo Tổ trưởng Tổ sản xuất hoa nở xã Long Thới, huyện Chợ Lách Đặng Văn Mi, giai đoạn cây cúc còn tơ thì ít bệnh nhưng khi cây vào giai đoạn tẻ đọt ôm nụ thì cây mất sức đề kháng, mầm bệnh dễ phát sinh. Lúc này cũng đã cận kề Tết, nếu cây mắc bệnh thì cầm chắc hao hụt. Các trường hợp bệnh thường gặp của cây cúc mâm xôi như: cháy lá, chai nụ. Ngoài ra, bệnh héo xanh trên cây cúc mâm xôi cũng là loại bệnh nguy hiểm vì lây lan nhanh giữa các cây, tỷ lệ thiệt hại cao.
“Qua nhiều năm làm cúc mâm xôi, chúng tôi nhận thấy việc nhân giống cúc theo cách truyền thống cũng có phần làm cho mầm bệnh kéo dài qua nhiều năm, sức của cây cúc mâm xôi không tốt. Vì vậy, Tổ sản xuất hoa nở đã có đề xuất với Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh nghiên cứu nuôi cấy mô để chuyển đổi nguồn giống mới, sạch bệnh cho người dân”, ông Đặng Văn Mi nói.
Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Nguyễn Quốc Trung cho biết: Trong quá trình nuôi cấy mô trong môi trường vô trùng, các cây cúc mâm xôi con được sản xuất ra đã được xử lý sạch mầm bệnh. Hiện Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh đã nghiên cứu, làm chủ quy trình, nuôi cấy mô 2 ngàn cây cúc mâm xôi và chuyển giao cho Tổ sản xuất hoa nở xã Long Thới trồng khảo nghiệm 1 ngàn cây, trồng tại trung tâm 1 ngàn cây. Đến nay, các cây phát triển tương đối tốt.
Kết quả bước đầu
Trao đổi với các nông dân nhận trồng khảo nghiệm cúc mâm xôi nuôi cấy mô ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách nhận thấy, hiệu quả trồng khảo nghiệm đến thời điểm này rất tốt. Hầu hết cây cúc mâm xôi nuôi cấy mô được trồng khảo nghiệm đều phát triển khỏe mạnh, tán đều, sum suê, đẹp, tăng trưởng đạt hơn so với cách trồng truyền thống trong cùng thời điểm gieo trồng và giảm sử dụng thuốc trừ bệnh.
Tham quan vườn cúc mâm xôi nuôi cấy mô được trồng khảo nghiệm tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh (cơ sở 2), huyện Chợ Lách.
Ông Đặng Văn Mi cho hay: “Chúng tôi chuyển giao cho 10 hộ ở xã Long Thới, mỗi hộ 100 cây để trồng khảo nghiệm. So sánh bằng mắt thường với các cây cúc mâm xôi sản xuất theo cách truyền thống có thể thấy, cây sinh trưởng tốt và ít bệnh hơn. Nếu tiếp tục phát triển như thế này thì sẽ rất kỳ vọng vụ Tết năm nay nhóm cúc mâm xôi trồng khảo nghiệm này sẽ cho kết quả tốt. Nếu vụ Tết năm nay ổn thì chúng tôi sẽ tiếp tục đặt hàng Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh sản xuất cây cúc mâm xôi cấy mô để người trồng đỡ chi phí sản xuất”.
Phấn khởi dẫn chúng tôi tham quan khu vực trồng 800 cây cúc mâm xôi nuôi cấy mô đang phát triển tươi tốt, ông Trịnh Minh Thống (xã Vĩnh Thành) cho biết: Giữa hai loại giống cấy mô và loại cắt ngọn truyền thống thì cấy mô sạch bệnh, đỡ bệnh, đỡ phân thuốc hơn, cây khỏe, giảm lượng phân thuốc khoảng 50% so với trước.
Chợ Lách là vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng trọng điểm của tỉnh, vấn đề quan trọng là chất lượng nguồn giống. Thực hiện theo đề án xây dựng trung tâm giống, hoa kiểng quy mô quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bình tuyển cây đầu dòng. Hiện có khoảng trên 600 cây đầu dòng và gần 1 ngàn vườn cây đầu dòng. Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh tổng hợp trên 22 chủng loại cây đầu dòng để trồng bảo tồn tại trung tâm. Đồng thời, ứng dụng công nghệ sinh học để nhân nuôi cấy mô một số loại cây thuộc 4 nhóm: kiểng lá (bắt ruồi, thịnh vượng, phú quý…), kiểng hoa (cúc Pico các màu, lan các loại, hoa hồng, dạ yến thảo, hoa trang…), dược liệu (gừng, sâm đất, nghệ đỏ, lan kim tuyến) và các cây ăn quả ngắn ngày (chuối các loại, khóm…). “Chúng tôi thực hiện duy trì nguồn gen mẫu, sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao cho người dân”, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết thêm.
“Việc ứng dụng nuôi cấy mô sẽ giúp loại bỏ một số bệnh nguy hiểm trên cây cúc mâm xôi như: bệnh thán thư, héo xanh, giúp cho sản xuất được an toàn, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, cây cũng khỏe hơn. Phương pháp giữ giống bằng việc nuôi cấy mô giúp giữ được các nguồn giống tốt, không bị mai một.
Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ ứng dụng phương pháp này để thực hiện tốt hơn trên cúc mâm xôi và các loại cây khác. Đối với việc áp dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, chúng tôi đang phối hợp với Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nuôi cấy mô dừa, có những kết quả nhất định. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều bộ giống cây hoa kiểng, cây ăn trái, dừa ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô, góp phần thay đổi công nghệ sản xuất giống và qua đó tác động tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh”.
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng