Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sầu riêng

12/05/2025 - 05:42

BDK - Gần tháng nay, sầu riêng được bày bán rộ với số lượng lớn trên các tuyến đường lớn của tỉnh. Giá chào mời 50 ngàn đồng/kg. Nhiều lo ngại cho trái sầu riêng của nhà vườn tỉnh về vấn đề giá cả, thị trường, liên kết tiêu thụ và tiêu chuẩn sản xuất… Tuy nhiên theo ngành chức năng, nếu sầu riêng được chăm sóc đạt chuẩn, nhà vườn vẫn có thể bán được giá cao hơn và vẫn còn có lời.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú trưng bày, giới thiệu sầu riêng OCOP 4 sao.

Giá sầu riêng giảm

Năm 2024, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc. Tại tỉnh, có thời điểm nông dân bán ra với giá 150 ngàn đồng/kg tại vườn. Đồng thời, các tiểu thương sống bằng nghề bán trái cây ở chợ Bến Tre và trên các tuyến đường lớn không còn sầu riêng để bán lẻ cho khách vãng lai. Năm nay, sầu riêng được bán tràn ngập tại các vựa, các sạp trái cây, với giá chỉ 50 ngàn đồng/kg. Với số tiền từ 100 - 150 ngàn đồng, người dân địa phương đã có thể mua được 1 trái sầu riêng 3kg. Một số tiểu thương bán sầu riêng cho biết, phần lớn sầu riêng được bán tại tỉnh được lấy từ nhiều nơi chứ không riêng của nhà vườn trong tỉnh.

Trung Quốc là một thị trường chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã tăng cường kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm như: dư lượng chất vàng O, Cadimi... Khi nhiều lô hàng bị đình trệ, trả về; một số hợp đồng xuất khẩu đã được ký từ trước nhưng việc thực hiện cứ bị trì hoãn hoặc bỏ dang dở… là nguyên nhân chính khiến sầu riêng năm nay giảm giá sâu, buộc thương lái phải tiêu thụ số lượng lớn ở trong nước và địa phương.

Ngày 8-5-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng.

Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng, mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu. Nguyên nhân được chỉ ra như: thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng; công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm. Việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống phòng kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía bạn hàng Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Nhà vườn thích ứng

Trong bối cảnh Trung Quốc đột ngột siết chặt quy chuẩn, hoạt động thu mua sầu riêng xuất khẩu tại tỉnh lắng lại. Tuy nhiên, thương lái và doanh nghiệp vẫn duy trì thu mua, tạo được sự ổn định tương đối trong sản xuất và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Út Tám, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành) chia sẻ, so với năm 2024, giá sầu riêng tại tỉnh giảm rõ rệt. Giá trung bình năm nay chỉ còn khoảng 40 ngàn đồng/kg, thấp hơn từ 10 - 15 ngàn đồng/kg so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu biết chăm sóc đạt chuẩn, nhà vườn vẫn có thể bán được giá từ 40 - 50 ngàn đồng/kg. Với giá này, nông dân đánh giá là ổn định và vẫn còn có lời.

Về năng suất và chất lượng trái các vườn trong tỉnh được nhận định là khá tốt. Sản lượng năm nay khá, chất lượng cũng được cải thiện. Một số vườn có chất lượng cao hơn có thể bán với giá cao hơn, khoảng 40 - 50 ngàn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thinh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú chia sẻ: “Tình hình tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, có thời điểm giá cao lên hơn 100 ngàn đồng/kg sản phẩm. Nhưng gần đây chỉ còn khoảng 50 ngàn đồng, thậm chí có nhà vườn bán thấp hơn với giá chưa đến 30 ngàn đồng/kg do sản phẩm chưa đạt chất lượng mẫu mã, bệnh cháy múi…”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, diện tích sầu riêng của tỉnh hơn 3.000ha, tập trung chủ yếu tại Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc. Trong đó, có 2.113ha trong thời kỳ đang cho trái, với sản lượng trên 26 ngàn tấn/năm. So với nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Đồng Nai hay Tiền Giang, tỉnh không nổi bật về quy mô diện tích, nhưng lại có thế mạnh ở tổ chức sản xuất linh hoạt và chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng. Toàn tỉnh có nhiều vùng đã được cấp mã vùng trồng, áp dụng quy trình VietGAP, có cơ sở đóng gói được Trung Quốc công nhận.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thinh, HTX Nông nghiệp Tân Phú có tổng diện tích 230ha; trong đó được cấp 1 mã vùng trồng. Thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất, nông dân được hướng dẫn ghi chép đầy đủ các hoạt động canh tác, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, nhằm đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng đã tiếp cận được các dự án hỗ trợ giúp nhà nông ứng dụng chuyển đổi số vào canh tác như hệ thống tưới tự động, ứng dụng định vị và giám sát canh tác qua điện thoại.

Hiện tại, sản phẩm sầu riêng của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bước đầu khẳng định chất lượng và xây dựng niềm tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hướng tới, HTX Nông nghiệp Tân Phú sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP 5 sao để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tình hình sầu riêng năm 2025 được đánh giá là được mùa, có thể chưa mang lại được những kỳ vọng về giá cả như năm trước, nhưng với tỉnh, đây là năm đánh dấu sự kiên trì, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường. Câu chuyện từ thực tiễn từ nhà vườn HTX là những điểm sáng gợi mở cho mô hình tổ chức sản xuất nông sản trong thời kỳ hội nhập đầy biến động. Nếu biết tận dụng thời cơ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường và đầu tư hợp lý, sầu riêng tỉnh hoàn toàn có thể khẳng định thương hiệu bền vững, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

 Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN