Hướng đến phát triển bền vững ngành dừa tỉnh, bài 2

Đầu tư các vùng nguyên liệu dừa tập trung

04/09/2024 - 05:39

BDK - Huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm là 2 địa bàn trồng dừa trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích trồng dừa hiện nay hơn 37 ngàn héc-ta, chiếm gần 50% diện tích trồng dừa cả tỉnh. Trong những năm gần đây, 2 huyện này đã đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất và chế biến dừa, đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân.

Tham quan vườn dừa hữu cơ của bà Trần Thị Sương, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam.

Mỏ Cày Nam liên kết sản xuất dừa hữu cơ

Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Những năm gần đây, huyện Mỏ Cày Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc phát triển mô hình trồng dừa hữu cơ và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa. Đến nay, huyện có 7.190 vườn đang thực hiện quy trình canh tác dừa hữu cơ, với tổng diện tích 6.290ha, trong đó 5.400ha đã được chứng nhận. Các vườn dừa này đang liên kết chặt chẽ với DN và hợp tác xã (HTX) để tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới là một trong những DN tiên phong, đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, với diện tích 1.874,8ha. HTX Nông nghiệp Định Thủy đã tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này, với khối lượng tiêu thụ cơm dừa 150 tấn/tháng và 130 ngàn trái dừa/tháng. HTX Nông nghiệp An Thới đã ký hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tiêu thụ các sản phẩm dừa hữu cơ cho thành viên, gồm: cơm dừa tươi, dừa trái hữu cơ, nước dừa và các sản phẩm phụ khác…

Bà Trần Thị Sương - chủ vườn dừa hữu cơ hơn 2ha, tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, đang liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Hiện công ty thu mua với giá 105 ngàn đồng/chục (12 trái), tức bằng với giá của thị trường bên ngoài. Vào thời điểm dừa treo trái như hiện nay, vườn dừa thu hoạch bình quân 2 thiên dừa/tháng, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Bước vào tháng 9, tháng 10 trở đi, dừa cho trái ổn định hơn, từ 3 - 4 thiên dừa/tháng. “Trước trồng lúa cực lắm nhưng không có lợi nhuận. Giờ chuyển sang trồng dừa thấy khỏe hơn và thu nhập ổn định. Mặt khác, phụ nữ là chủ nông hộ thì trồng dừa càng phù hợp và thuận lợi hơn rất nhiều…”, bà Sương bộc bạch.

Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, với diện tích 40ha, hợp tác với HTX Nông nghiệp Tân Trung để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, thuê nhà xưởng và tiêu thụ các sản phẩm như: cơm dừa tươi, nước dừa tươi và dừa trái loại I cho các thành viên của HTX.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) tham gia mạnh mẽ vào việc xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, với tổng diện tích 2.513,3ha. Betrimex đã thiết lập các mối liên kết chặt chẽ với nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện như: HTX Nông nghiệp Minh Đức, HTX Nông nghiệp Hương Mỹ, HTX Nông nghiệp An Thạnh, HTX Nông nghiệp Cẩm Sơn và HTX Nông nghiệp An Phước để thu mua và tiêu thụ hàng trăm ngàn trái dừa mỗi tháng.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Mỏ Cày Nam đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gồm: Ứng dụng nguyên tắc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa và vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững...

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn khuyến công và chuyển giao khoa học công nghệ để hỗ trợ sản xuất, chế biến ngành dừa. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hỗ trợ 13 dự án khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, với tổng số vốn 3,2 tỷ đồng. Huyện tập trung ưu tiên cho các cơ sở, DN sản xuất từ sản phẩm dừa. Với những thành tựu này, huyện Mỏ Cày Nam đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất và chế biến dừa lớn của tỉnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Giồng Trôm chế biến dừa chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp

Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết: Trước năm 2000, khi chưa có các sản phẩm chế biến chuyên sâu, dừa trái chủ yếu được xuất bán trực tiếp sang Trung Quốc, với giá trị thấp. Một số cơ sở chế biến nhỏ lẻ các sản phẩm như kẹo dừa, dầu dừa thô... Nguồn nguyên liệu lúc bấy giờ cung đã vượt cầu rất nhiều nên trái dừa vẫn chưa về đúng giá trị. Cột mốc năm 2000 là giai đoạn các DN tại tỉnh tiên phong đầu tư dây chuyền cơm dừa nạo sấy. Từ năm 2010 đến nay, có thể gọi là giai đoạn “tăng trưởng nhanh” của ngành dừa. Nhiều sản phẩm được tạo ra, đa dạng chủng loại và ở nhiều ngành nghề. Đặc biệt, nước cốt dừa, nước dừa đóng hộp, dầu dừa nguyên chất là 3 sản phẩm chủ lực của ngành trong việc thu ngoại tệ xuất khẩu.

Ngành chế biến dừa trên địa bàn huyện Giồng Trôm phát triển, sớm tạo tín hiệu phấn khởi cho ngành dừa tỉnh. Hiện ngành dừa đang chiếm 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp của toàn huyện. Từ năm 2021 - 2023, giá trị sản xuất của ngành này đạt 3.200 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 ước tính 14% (theo giá so sánh năm 2010).

Hiện toàn huyện Giồng Trôm có 428 cơ sở và 36 DN hoạt động trong lĩnh vực sơ chế và chế biến các sản phẩm từ dừa. Nhiều DN lớn đã đầu tư vào các nhà máy, với công nghệ hiện đại và sản phẩm đa dạng. Trong đó, Betrimex sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp, với công suất 37,88 triệu lít/năm, giải quyết việc làm cho gần 1 ngàn lao động. Công ty TNHH E.Z Costec chuyên sản xuất mặt nạ thạch dừa, với công suất 15 triệu sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Dừa sản xuất cơm dừa nạo sấy, với công suất từ 5 - 10 tấn/ngày, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động.

Cùng với sự phát triển của ngành chế biến dừa, việc thành lập các tổ hợp tác và HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút và tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có 15 HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dừa, với doanh thu ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động. Nhiều DN thực hiện liên kết thu mua dừa, với tổng diện tích liên kết hơn 6.700ha. Trong đó, có 6.000ha đạt chứng nhận hữu cơ, chiếm 37% diện tích dừa công nghiệp của huyện.

Đến nay, diện tích dừa của huyện đã tăng thêm 2.830ha so với năm 2020, vượt lên dẫn dầu toàn tỉnh, với tổng diện tích 20.600ha. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Giồng Trôm đang triển khai xây dựng 2 vùng thí điểm sản xuất nông nghiệp tập trung, tại xã Châu Bình và Phước Long. Mục tiêu là phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đời sống người dân địa phương.

Với những nỗ lực trên đã khẳng định quyết tâm của huyện Mỏ Cày Nam, huyện Giồng Trôm nói riêng và tỉnh nói chung trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Đó là sản xuất dừa hữu cơ, tham gia các tổ hợp tác, HTX và liên kết chặt chẽ với các DN chế biến để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, xây dựng tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của thị trường thế giới, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai.

“Thị trường quốc tế phong phú, thị phần còn “mở cửa” chờ đón các sản phẩm mới từ dừa. Hiện nay, các DN chế biến và kinh doanh đã mang sản phẩm dừa “Made in Việt Nam” xuất khẩu hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, nước dừa Việt Nam đã và đang chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...”.

(Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN