Hiến máu tình nguyện - trách nhiệm và nghĩa tình

06/04/2018 - 07:41

Hiến máu tình nguyện là hành động thể hiện tinh thần nhân đạo. Ảnh: P. Hân

Hiến máu tình nguyện là hành động thể hiện tinh thần nhân đạo. Ảnh: P. Hân

Sự hưởng ứng của cộng đồng

Công tác vận động HMTN trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu về máu phục vụ công tác điều trị bệnh, góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hàng năm, tỉnh có 4 đợt vận động hiến máu cao điểm, gồm: Lễ hội xuân hồng, Ngày Toàn dân HMTN 7-4, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6 và Chiến dịch Những giọt máu hồng hè.

Cùng với các đợt vận động lớn, công tác tiếp nhận máu được thực hiện tại điểm lấy máu cố định, thường xuyên là Khoa Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu) và các điểm lấy máu lưu động do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện tiếp nhận máu ở các ngành tỉnh. Tại các huyện, phối hợp với ngành y tế, Hội Chữ thập đỏ cấp xã, chọn điểm thuận tiện tiếp nhận máu khi có trên 150 người đăng ký.

Trong năm 2018, chỉ tiêu vận động là 10.500 đơn vị máu (1 đơn vị máu/lần = 250 - 350ml). Qua đợt vận động HMTN “Lễ hội xuân hồng” nhân dịp Tết vừa qua, đến cuối tháng 3-2018, toàn tỉnh tiếp nhận được 2.815 đơn vị máu (đạt 26,81% chỉ tiêu). Nhiều đơn vị vận động đạt cao như Bình Đại, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, khối Liên đoàn Lao động tỉnh…

Cùng với những đợt tiếp nhận máu qua vận động, tại Khoa Huyết học và truyền máu luôn có sự kiểm tra, cân đối về lượng máu tiếp nhận và dự trữ. Trong những trường hợp cần kíp sẽ tích cực vận động từ nhiều nguồn như: thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện, liên hệ với các nguồn hiến máu dự bị, vận động người nhà bệnh nhân, y bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng như các bệnh viện lân cận.  Khoa Huyết học và truyền máu cũng như Hội Chữ thập đỏ các cấp quản lý danh sách người hiến máu, hình thành các câu lạc bộ, đội ngũ tình nguyện viên hiến máu dự bị tại cơ sở, sẵn sàng hiến máu cứu người khi cần thiết.

Thông tin từ Khoa Huyết học và truyền máu, tình hình dự trữ máu hiện nay của bệnh viện ổn định, đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện có sự thiếu cân bằng về nguồn dự trữ các nhóm máu. Các nhóm máu A, B có nguồn dự trữ ít hơn và luôn cần nguồn hiến máu. “Trong vận động HMTN, chúng ta đã có được sự hưởng ứng của cộng đồng. Để phong trào đạt hiệu quả sâu hơn cũng như tiếp nhận được các đơn vị máu chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu hiện nay, thiết nghĩ cần hướng tới vận động theo từng nhóm máu”, bác sĩ Phạm Thị Phượng - Trưởng Khoa Huyết học và truyền máu cho biết.

Trách nhiệm với từng giọt máu trao đi

“Giọt máu trao đi - cuộc đời ở lại”. Để có được giọt máu đảm bảo chất lượng, an toàn, phù hợp, có thể truyền được cho bệnh nhân, phải qua nhiều bước kiểm tra, sàng lọc. Điều này đòi hỏi trách nhiệm từ các bên thực hiện, mà trước hết là từ người hiến máu.

Bác sĩ Phạm Thị Phượng cho biết, quy định về truyền máu được thực hiện theo Thông tư số 26/2013 của Bộ Y tế. Đối với người hiến máu, ngoài tiêu chuẩn về tuổi tác, cân nặng, tuyệt đối không mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu. Trong các trường hợp tiền sử có bệnh mãn tính, cấp tính, phải khai báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe, để xem xét tình trạng có đủ điều kiện hiến máu hay không. Cùng với đó, tất cả các yêu cầu về tim mạch, tiết niệu, hô hấp, tuần hoàn đều phải bình thường.

Đêm trước khi hiến máu, người hiến máu cần ngủ đủ 6 tiếng trở lên, không uống rượu bia, không ăn nhiều dầu mỡ. Và nhất là khi hiến máu với tâm trạng thoải mái sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình và chất lượng máu. Tâm lý căng thẳng hoặc không đủ sức khỏe sẽ dễ xảy đến những biểu hiện không mong muốn trong khi lấy máu như choáng, ngất. Một người từ 50kg trở lên được hiến tối đa 350ml/lần, còn 42kg (nữ), 45kg (nam) thì tối đa 250ml/lần tùy theo thể trạng, sức khỏe và sự tự nguyện của người hiến máu.

Đối với đơn vị máu tiếp nhận, bệnh viện sẽ sàng lọc qua nhiều bước để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Trước tiên sẽ xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu như viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, HIV, giang mai, sốt rét, xét nghiệm bằng phương pháp Elisa tại tỉnh. Những mẫu có kết quả âm tính sẽ tiếp tục được gửi lên Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh để sàng lọc lại bằng kỹ thuật sinh học phân tử, là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay giúp phát hiện được thời gian cửa sổ ngắn với độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn.

Đơn vị máu sau khi sàng lọc đạt yêu cầu (gọi là máu toàn phần) sẽ được điều chế thành các chế phẩm máu để bảo quản ở những điều kiện thích hợp và được truyền cho bệnh nhân tùy theo tình trạng, yêu cầu với loại chế phẩm nào. Tại tỉnh, hiện có thể điều chế từ máu toàn phần tách ra khối hồng cầu và huyết tương theo từng nhóm máu riêng biệt. Khối hồng cầu được lưu trữ ở nhiệt độ từ 2 - 60C, bảo quản từ 35 - 42 ngày, tùy theo chất chống đông. Huyết tương được giữ ở nhiệt độ -180C (độ âm), bảo quản từ 1 - 2 năm. Sau khoảng thời gian này sẽ không sử dụng được. Vì vậy, bệnh viện luôn có sự cân đối giữa lượng máu lưu trữ và sử dụng để đảm bảo thời hạn sử dụng.

Hiến máu nhân đạo là nghĩa cử nhân đạo cao đẹp, có ý nghĩa góp phần cứu sống tính mạng con người. Vì thế, người hiến máu cần nhận thức rõ “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi” để có trách nhiệm, có hiểu biết rõ ràng và ý thức về những giọt máu mà mình trao tặng cho người khác. Qua đó góp phần tạo nguồn máu có chất lượng, đáp ứng nhu cầu cần thiết của bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất số máu không đạt chất lượng phải bị hủy.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa hiến máu

BÌNH LUẬN