BDK - Hình ảnh người “con gái Bến Tre” năm xưa đi trong đạn lửa, hiên ngang, bất khuất trong “Đội quân tóc dài” (đội quân đặc biệt, có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới), xuất hiện trong cao trào Đồng khởi của tỉnh từ năm 1960, sau đó lan rộng cả miền Nam. “Đội quân tóc dài” đã làm nên huyền thoại, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các mẹ, các chị “tản cư ngược” về thị trấn Mỏ Cày chống chiến dịch khủng bố sau Đồng Khởi của địch. Ảnh: Tư liệu
Người chị cả tài ba
Nói đến “Đội quân tóc dài” là nói đến Nữ tướng Nguyễn Thị Định - người từng góp phần lãnh đạo và xây dựng nên đội quân đặc biệt trên đất Bến Tre - người chị cả sáng tạo nên phương pháp đấu tranh ba mũi giáp công. Sinh ra trong một gia đình nông dân, cô Ba sớm giác ngộ cách mạng từ người anh trai. 18 tuổi, cô đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. 20 tuổi, cô bị địch bắt và đày ra Bà Rá 3 năm. Ra tù, cô trở về hoạt động cách mạng tại địa phương và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại đây. Ròng rã 30 năm chiến tranh, dường như cô Ba luôn có mặt ở chiến trường, hết chống Pháp rồi chống Mỹ. Để rồi cô là người phụ nữ đầu tiên trong đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra Bắc để báo cáo tình hình kháng chiến buổi đầu ở Nam Bộ cho Trung ương. Cô cũng là người phụ nữ duy nhất nằm trong 4 thành viên của phái đoàn đảm trách việc vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường thủy xuất phát từ bờ biển Phú Yên.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, cô Ba tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo phong trào cách mạng. Cuộc Đồng khởi nổ ra trên đất Mỏ Cày đêm 17-1-1960 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương thắng lợi, mở ra cục diện mới trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Tên tuổi của cô gắn liền với cuộc Đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam và cũng gắn liền với “Đội quân tóc dài” - đội quân có hàng ngàn người ở tỉnh nhân rộng hàng triệu người, không có tấc sắt trong tay nhưng có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch, góp phần đáng kể làm sụp đổ thành trì chế độ Mỹ - ngụy.
Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, cô Ba Định đảm nhận nhiều cương vị khác nhau: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI; Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII; Thứ trưởng Thương binh - Xã hội; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước. Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại; làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ dân chủ thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba.
Ngoài những huân chương cao quý, cô Ba còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhắc đến Nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhiều danh từ xưng hô thân thiết, trìu mến dành cho cô: chị Ba, cô Ba, dì Ba…, dù từ ngữ nào, văn phong nào thì hình ảnh, tài đức vị nữ tướng tài ba ấy sẽ mãi trường tồn trong lòng người Việt Nam nói chung, người Bến Tre nói riêng.
Độc đáo “tản cư ngược”
Sau cuộc Đồng khởi nổ ra trong tỉnh đúng 10 hôm, ngày 26-1-1960, địch huy động nhiều đơn vị vũ trang gồm cả quân chủ lực và bảo an hơn một vạn tên địch đánh vào ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Chiến dịch khủng bố này lấy tên là “Bình trị Kiến Hòa” với mục tiêu nhằm đè bẹp phong trào cách mạng quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta đang còn trứng nước. Đi đến đâu, chúng triệt phá nhà cửa, cướp bóc, bắn giết một cách tàn bạo.
Để đối phó lại âm mưu của địch, Tỉnh ủy lúc đó chủ trương tập hợp lực lượng, tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị gồm toàn chị em phụ nữ kéo lên quận Mỏ Cày với danh nghĩa là “tản cư ngược” để tránh cuộc hành quân càn quét đang diễn ra. Lực lượng tham gia đấu tranh lên đến năm ngàn người. Các chị, các má, người thì khiêng kẻ bị thương, người thì chở xác chết, mang theo mảnh bom, mảnh đạn để làm tang chứng, lớp thì bồng con, bế cái với cả mùng mền, nồi niêu để nấu ăn. Lực lượng đấu tranh trên hai trăm ghe xuồng từ các ngã đổ về Mỏ Cày rồi lên bộ kéo đi chật các đường phố của thị trấn.
Bà con tràn vào dinh Quận trưởng, nhà thông tin, thánh thất, nhà thờ, vừa kêu khóc, tố cáo tội ác của giặc, vừa yêu cầu Quận trưởng ra lệnh chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con có thể trở về yên ổn làm ăn. Trước cảnh hàng ngàn người già, phụ nữ, trẻ em nheo nhóc, ăn ngủ vật vạ khắp các nơi, đồng bào trong thị trấn vô cùng cảm động. Họ mang cơm nước, thuốc men, tiền bạc giúp đỡ. Nhiều vị tu hành, nhân sĩ kêu gọi quyên góp ủng hộ bà con “tản cư ngược”. Công chức, binh lính, cảnh sát nhiều người tỏ thái độ đồng tình việc làm của đồng bào.
Trước áp lực của đông đảo quần chúng, Quận trưởng Mỏ Cày đành phải hứa sẽ chuyển ngay yêu sách của đồng bào lên Tỉnh trưởng và ra lệnh giúp đỡ đồng bào để nhằm xoa dịu dư luận. Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, đại tá Nguyễn Văn Y, thay mặt Bộ Tổng tham mưu ngụy, chỉ huy trưởng cuộc hành quân, từ Sài Gòn phải bay xuống thị sát tình hình và sau đó ra lệnh rút quân. Thế là trước sức mạnh của những người phụ nữ không một tấc sắt trong tay, cả binh đoàn sừng sỏ của địch phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân. Nguyễn Văn Y cay cú nói với bọn sĩ quan thuộc cấp: “Thôi đành phải chịu thua “Đội quân đầu tóc”.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh đã thêm một minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh “hai chân, ba mũi” - chính trị kết hợp với võ trang và binh vận - mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho cao trào Đồng khởi của toàn miền Nam. “Đội quân tóc dài” trong quá trình đối mặt với kẻ thù, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, chỉ đạo, về vận dụng sách lược, lý lẽ để tiến công kẻ địch, phân hóa hàng ngũ của chúng, biết giành thắng lợi từng bước, đúng lúc, đúng mức. Họ vận dụng “ba mũi giáp công” đánh vào những chỗ yếu, những sơ hở của đối phương, phân hóa hàng ngũ chúng, ngăn chặn, phá vỡ những ý đồ đen tối và thâm độc của Mỹ - ngụy.
Ra đời trong cao trào Đồng khởi ở Bến Tre, “Đội quân tóc dài” đã phát triển rộng khắp trong toàn miền và đóng góp một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam, trong cuộc chống Mỹ cứu nước, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.