Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre - Chặng đường trên 35 năm

18/06/2013 - 17:03
Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trao thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2011-2015 cho các nhà báo. Ảnh: T.Tùng

LTS: Ban biên soạn lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Bến Tre đang thực thi các công việc cuối, để xuất bản tập sách “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Bến Tre”. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và để rộng đường đóng góp, chấn chỉnh nội dung tập sách này, Báo Đồng Khởi xin đăng phần viết về Hội Nhà báo tỉnh, mong nhận được sự đóng góp của quý bạn đọc gần xa.  

Tính đến cuối năm 2012, Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đã có thời gian hơn 35 năm thành lập, hoạt động. Một chặng đường dài trải qua 7 kỳ đại hội, đề cử, bầu cử ra Ban chấp hành để tập hợp những người làm báo tỉnh nhà vào tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp - Hội Nhà báo - một bộ phận trong hệ thống chính trị, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre.

Vào thời kỳ thứ 4 của nền báo chí tỉnh nhà, ngày 1-10-1976, Ban vận động thành lập Chi hội nhà báo tỉnh Bến Tre ra đời. Có thể nói Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre là một trong những hội cấp tỉnh thành, được thành lập sớm nhất của cả nước. Hội viên sáng lập của Hội là những người làm báo từ chiến khu về và những anh chị em sớm tham gia đội ngũ những người làm báo sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975). Ban vận động đề cử đồng chí Lê Văn Nhơn (Lê Chí Nhân) làm thư ký, đồng chí Huỳnh Công Hải (Huỳnh Năm Thông) làm phó thư ký. Sau một thời gian, đồng chí Lê Chí Nhân được Tỉnh ủy Bến Tre điều động nhận nhiệm vụ mới, đồng Huỳnh Năm Thông đảm đương chức thư ký Ban vận động.

Nhân buổi lễ kỷ niệm 2 năm Ngày đổi tên Báo Chiến Thắng thành Báo Đồng Khởi (11-11-1978), Ban chấp hành Chi hội nhà báo tỉnh Bến Tre ra mắt quý đại biểu. Ban chấp hành gồm 5 người, do đồng chí Huỳnh Năm Thông làm thư ký. Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh đầu tiên được suy tôn, nhất trí của hội viên, không qua ứng cử, bầu cử. Mọi hoạt động của Chi hội nhà báo, kể cả lúc còn Ban vận động, đều dựa hẳn vào cơ quan Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh tỉnh.

Người tiên phong, đầu tàu là đồng chí Huỳnh Năm Thông, thư ký chi hội, tổng biên tập Báo Đồng Khởi.

Ngày 23-11-1978, theo Quyết định số 06 của Hội nhà báo Việt Nam, do Tổng thư ký Lưu Quý Kỳ ký tên, Ban Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam quyết định công nhận Chi hội nhà báo Bến Tre có 37 hội viên. Ở từng thời kỳ, Ban chấp hành Chi hội nhà báo kết nạp thêm nhiều hội viên mới. Ban lãnh đạo, Ban biên tập của Đài Phát thanh Bến Tre và Báo Đồng Khởi còn cấp thêm thẻ hội viên, cộng tác viên nên có lúc số hội viên của Chi hội nhà báo, cộng tác viên của báo, đài tăng lên rất nhiều.

Hoạt động của Chi hội nhà báo, không chỉ là chuyện nghề nghiệp, “bếp núc” của báo giới tỉnh nhà mà còn mang tính phong trào, đại chúng. Từng thành viên của Ban chấp hành hội, nhiều hội viên hoạt động xuất phát từ sự nhiệt thành, bắt mạch nguồn từ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội cao cả, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Ngày 11-11-1991, tám hội viên vinh dự của Chi hội nhà báo Bến Tre được nhận “Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Cùng với những hội viên nhà báo cả nước, đây là những nhà báo đầu tiên của cả nước và Bến Tre vinh dự nhận danh hiệu cao quý này. Đó là các nhà báo: Nguyễn Văn Châu, Lê Chí Nhân, Đoàn Văn Bô (Đoàn Tứ), Huỳnh Năm Thông, Phạm Công Nghiệp (Thanh Nhân), Huỳnh Kỳ Sở, Lê Kim Hoa và Lê Văn Be (Hoàng Lê). Việc trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, những đợt đầu, ngoài việc xét đặc cách cho những nhà báo lão thành, tham gia hai cuộc kháng chiến, trực tiếp lãnh đạo báo chí; những nhà báo, hội viên nam phải có đủ 25 năm, nữ 20 năm làm báo liên tục.

Trải qua 7 nhiệm kỳ, việc đề cử, bầu chọn Ban thư ký, Ban chấp hành Chi hội hay Hội Nhà báo tỉnh như sau:

Nhiệm kỳ thứ nhất, tháng 10-1976 – 1981, Ban thư ký có 5 ủy viên, do đồng chí Lê Chí Nhân, sau đó là đồng chí Huỳnh Năm Thông làm thư ký. Đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 1981-1986, Ban chấp hành có 5 ủy viên, bầu đồng chí Huỳnh Năm Thông làm Chủ tịch. Đại hội lần thứ ba, nhiệm kỳ 1986-1991, Ban chấp hành có 5 ủy viên và Đại hội lần thứ tư, nhiệm kỳ 1994-999, Ban chấp hành có 9 ủy viên. Hai nhiệm kỳ này (thứ ba và thứ tư) đều bầu đồng chí Huỳnh Năm Thông làm Chủ tịch Hội. Đồng chí Huỳnh Năm Thông - Tổng biên tập Báo Đồng Khởi liên tục làm thư ký và chủ tịch Hội nhà báo tỉnh trên 20 năm. Đồng chí Năm Thông cũng có hai nhiệm kỳ liên tục tham gia vào Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam. Đại hội lần thứ năm, nhiệm kỳ 1999-2004, Ban chấp hành gồm 9 ủy viên và Đại hội lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2004-2009, Ban chấp hành gồm có 11 ủy viên. Đồng chí Phạm Công Nghiệp liên tục được bầu làm Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh ba nhiệm kỳ, thời gian từ tháng 11-1999 đến năm 2015. Trong từng nhiệm kỳ của Ban vận động, Chi hội rồi Hội nhà báo tỉnh có thay đổi, bổ sung một vài đồng chí phó chủ tịch hay ủy viên ban chấp hành nhằm bảo đảm cơ cấu về nhân sự, tạo sự hoạt động xuyên suốt.

Tháng 6-2010, Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đại hội lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2010-2015. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 11 ủy viên. Đồng chí Phạm Công Nghiệp (Thanh Nhân), được bầu làm Chủ tịch; có 3 Phó Chủ tịch hội. Đến nay, Hội Nhà báo tỉnh có 148 hội viên. Trong số đó, có 83 hội viên được vinh dự nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trong những nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới gắn với việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác báo chí, như Thông báo Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động của Hội. Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre có nhiều hoạt động thiết thực, tập trung thực hiện khá tốt vai trò trung tâm phối hợp các cơ quan báo chí; tập hợp nhà báo, hội viên vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền, góp phần tích cực cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã bám sát định hướng công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, thực hiện tốt chức năng là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân quê hương Đồng Khởi, là diễn đàn tin cậy phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, báo chí đã phát hiện và biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới và những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tích cực tham gia đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Hội Nhà báo tỉnh có đổi mới về hình thức và nội dung hoạt động như: tổ chức nhiều cuộc thi; duy trì tốt giải báo chí Sương Nguyệt Anh, liên tục nhiều năm liền tổ chức thành công Hội báo Xuân; khuyến khích các nhà báo dự các giải báo chí của bộ, ngành Trung ương, giải báo chí quốc gia. Hội còn tổ chức các phong trào, tạo nhiều sân chơi thu hút hội viên tham gia. Hội còn quan tâm bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà qua các cuộc học nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác báo chí trong tình hình mới. Hội tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ báo chí cho hội viên, phóng viên. Các lớp học này đã góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ của các nhà báo; có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng khá tốt đã đưa nhanh nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thi đua đồng khởi mới một cách rộng mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng thực hiện tốt cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” góp phần giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động sáng tác quảng bá tác phẩm báo chí, nhân rộng điển hình tốt về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

Hội Nhà báo tỉnh thật sự là trung tâm, mái ấm tình thương, đoàn kết đồng nghiệp, những người làm báo tỉnh nhà. Hơn 35 năm hoạt động đã qua, có biết bao nhiêu chuyện vui, buồn, nghĩa tình thủy chung, kỷ niệm sâu nặng. Từ trung tâm, mái ấm ấy đã góp phần tạo dựng, hun đúc nên nhiều con người, thế hệ làm báo tiếp sau, tiếp tục cống hiến xứng đáng với trọng trách được tổ chức và xã hội giao phó bằng tinh thần công dân, trách nhiệm xã hội cao cả, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, thực hiện “Tuyên ngôn” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

MINH TRẤN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN