Huyền thoại làng Tân Hưng

20/01/2022 - 16:24

BDK - Từ hàng trăm năm qua, mỗi năm cứ đến ngày 15 tháng 2 âm lịch, người dân xã Tân Hưng, huyện Ba Tri và các xã lân cận đều sắm lễ đến cúng bái một bậc tiền hiền mà họ đã tôn vinh thành vị nhân thần và lập miếu để thờ phụng. Miếu được dân làng đặt tên là Miếu ông Yến, tọa lạc ấp Tân Khai, xã Tân Hưng.

Tranh thờ ông Yến đánh cọp. Ảnh: Trần Minh Hoàng

Tranh thờ ông Yến đánh cọp. Ảnh: Trần Minh Hoàng

Nhân thần làng Tân Hưng

Chuyện kể rằng, từ thế kỷ XVII, nhiều người dân vùng ngũ quảng đã dong ghe bầu nương theo gió mùa, lần lượt tìm đến vùng đất phương Nam để mưu sinh. Họ quyết định dừng chân nơi một con giồng cao ráo ven sông Hàm Luông. Đó chính là vùng đất sau này được đặt tên là Tân Hưng. Xưa kia, Tân Hưng là đất rừng hoang vu với nhiều bụi rậm, cây lức, cây tràm. Những khu vực rộng lớn ngập chìm trong sình lầy quanh năm. Đó là nơi sinh sản vô số muỗi mòng, đỉa vắt và những loài côn trùng nhiệt đới gây mầm bệnh dai dẳng. Cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa bởi những loài thú dữ như cọp, sấu, rắn... được ông bà mô tả:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”.

Trải qua nhiều thế hệ di dân, những bậc tiền hiền, hậu hiền đã dày công khai phá vùng đất hoang vu để định cư, lập nên ngôi làng trù phú, dân cư đông đúc. Trong số những con người gan dạ đó, nhân dân xã Tân Hưng luôn tôn vinh công trạng đánh cọp bảo vệ dân làng của ông Trần Văn Yến. Ông là một tráng sĩ võ nghệ cao cường, người gốc Bình Định, tòng quân dưới triều Tây Sơn, trong giai đoạn nội chiến giữa thế lực Tây Sơn và chúa Nguyễn (1771 - 1802). Kết thúc cuộc chiến, ông ở lại làng Tân Hưng, cùng vợ sống trong một chòi lá ven bìa rừng, dưới bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trước cửa nhà có con đường sình lầy ngập nước quanh năm, được dân làng gọi là đường rong trâu, vì nơi này là lối đi của đàn trâu rừng. Chúng men theo con đường này để ra kênh Vú Nàng uống nước. Đàn cọp cũng men theo đường rong trâu để ra con kênh này uống nước, chúng thường hay rình bắt súc vật hoặc người để ăn thịt.

Nhằm giúp người dân an tâm sinh sống, ông Yến đã nhiều lần ra tay đánh cọp. Để trả thù, chúng đã hợp thành đàn kéo đến nhà ông để quyết chiến. Là một người dũng mãnh, can trường, ông Yến không hề nao núng. Ông bình tĩnh lựa những thế võ cực hiểm đánh tan đàn cọp hung dữ. Từ đó loài mãnh thú làng Tân Hưng đã quy phục ông Yến, không còn quấy phá xóm làng.

 Ông Yến đánh cọp để bảo vệ dân làng - đó là nhân vật có thật ngoài đời nhưng đã bước vào huyền thoại một cách đĩnh đạc bằng chính kỳ tích anh hùng của mình. Họ đã trở thành chân dung đẹp đẽ của người đi khai hoang ở Bến Tre. Dân làng đã vẽ nên những huyền thoại xung quanh “người thật, việc thật” để bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng thương mến một con người biết xả thân vì lợi ích của cộng đồng.

Ông chánh bái Nguyễn Văn Nhu cho biết thêm: “Thậm chí cái chết của ông Yến cũng mang tính chất ly kỳ. Ông dặn rằng, sau khi ông chết, dân làng hãy khiêng chôn ở trong rừng, cứ đi miết vào rừng sâu, khi nào dây néo bị đứt thì đó là địa điểm đặt phần mộ của ông. Và ngôi mộ đất đã được đặt trong góc rừng nay thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Hưng”.

Hơn 300 năm trôi qua, cho dù đó chỉ là mộ đất nhưng dân làng vẫn giữ gìn cẩn trọng, thậm chí còn lưu giữ tấm bia khắc bằng chữ Nho trên đá xanh ghi rõ: “Trần Văn Yến chi mộ”. Từ đó đến nay, ngôi mộ đã được trùng tu 2 lần, nấm mộ có hình con cá Ông, có lẽ để ngụ ý nhắc nhở cho thế hệ sau biết gốc tích của họ là lưu dân miền Trung, đã can trường vượt biển để định cư trên vùng đất phương Nam.

Điểm tựa tinh thần, cố kết cộng đồng

Để tôn vinh công trạng của ông Yến, dân làng đã lập ngôi miếu thờ dưới tán cây cổ thụ, ngay tại căn nhà xưa của ông. Lúc đầu, ngôi miếu bằng vách đất, mái lá dừa nước, sau nhiều lần sửa chữa, ngôi miếu rộng rãi hơn nhưng hãy còn đơn sơ. Đáng chú ý là trong gian chánh điện: trên nghi thờ có một bức tranh mô tả ông Yến đang tung thế võ đánh cọp, tư thế thật hiên ngang, gương mặt thần thái; 2 tượng đúc đặt hai bên, làm bằng xi-măng diễn tả ông Yến ung dung cỡi cọp đi ăn giỗ, phong thái thật đĩnh đạc. 

 Xem bức tranh thờ và tượng ông Yến cỡi cọp, người ta nhận ra rằng, những nghệ sĩ này đã thấu cảm tính chất anh hùng của bậc tiền hiền đã khắc họa nên những nét thật sinh động. Họ đã gửi lòng ngưỡng mộ vào đường nét và màu sắc dân gian để đặc tả thời điểm xuất thần - đó là lúc ông Yến vung tay đánh cọp, chứng tỏ con người dũng mãnh đã chế ngự được sức mạnh của thiên nhiên.

Đối với người dân Tân Hưng, ngôi miếu là điểm tựa tinh thần, là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc đã hình thành từ thời khẩn hoang. Ông Trần Văn Yến đại diện cho những bậc tiền hiền đã có công khai phá đất đai để lập làng. “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Chính vì lẽ đó, ông Trần Văn Yến là hình ảnh của người anh hùng nhưng cũng rất gần gũi trong đời sống người dân. Dù có xa quê, trong ngày lễ Kỳ Yên họ vẫn trở về để cúng bái vị “nhân thần” của quê mình. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đã kính dâng ông Yến bằng những lễ vật rất trang trọng và cũng là đặc sản của địa phương như: mâm xôi, rượu nếp. Đặc biệt, bà con cúng rất nhiều heo quay. Con heo quay mang đến được đặt trong rọ bằng tre. Xong lễ, người cúng chỉ chặt lấy lại một phần con heo và gửi lại hết để đãi khách. Chị Nguyễn Thị Hương quê quán ở làng Tân Hưng, hiện đang sinh sống ở Sài Gòn, nói: “Hôm nay giỗ Ông, mình về cúng vì Ông rất linh thiêng. Hồi nhỏ mình hay rủ các bạn đi coi hát bộ ở sân miếu trong mấy đêm liền. Vui lắm!”.

Đất và người Tân Hưng

Từ tình yêu mảnh đất mà mình đã dày công khai phá, người dân Tân Hưng đã hun đúc thành tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Họ đã đứng lên chống giặc ngoại xâm để bảo vệ xóm làng. Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng đã ghi nhận công lao của những người con ưu tú, trong đó phải nhắc đến một con người đã làm rạng rỡ quê hương, đó là luật sư Trần Văn Khương - người đã được Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh trao lại các bằng tốt nghiệp ở Pháp từ 50 năm trước, nhân dịp Tổng thống Pháp François Mitterand sang Việt Nam vào năm 1993 và gặp gỡ những trí thức Việt Nam từng du học ở Pháp.

Câu chuyện hy hữu này được ghi lại trong quyển Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng như sau: Ông Khương (sinh năm 1909, mất năm 2002) du học tại Pháp vào lúc 18 tuổi. Ông đã đậu nhiều bằng cấp về ngành luật, đáng kể nhất là bằng Tiến sĩ Luật khoa quốc gia của trường đại học danh tiếng Sciences Politique (cấp năm 1945). Nhưng sau đó, ông về nước tham gia kháng chiến nên chưa kịp nhận các bằng tốt nghiệp. Tại miền Nam, ông được phân công hoạt động trong Mặt trận Liên Việt, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Ông cũng từng đảm nhận nhiệm vụ Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt - Pháp. Ông được Chính phủ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ.

Một con người từ vùng quê nghèo đã dám bước tới “Kinh đô ánh sáng” và lập nên sự nghiệp lừng lẫy. Thế nhưng, ông dám từ bỏ danh vọng để trở về nước tham gia kháng chiến. Đó là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Làng Tân Hưng đã sinh ra những con người khí phách dám đánh cọp như ông Trần Văn Yến, một trí thức cách mạng làm rạng danh quê nhà như luật sư, Tiến sĩ Trần Văn Khương và còn biết bao anh hùng liệt sĩ đã xả thân chiến đấu vì Tổ quốc.

Lịch sử hình thành làng Tân Hưng gắn liền với công lao mở đất của những bậc tiền hiền, hậu hiền trong suốt mấy trăm năm đằng đẵng. Đó là thành quả của ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tương trợ để cùng nhau tồn tại trên vùng đất mới. Lệ làng Tân Hưng mỗi năm đều tổ chức lễ Kỳ Yên cầu cho quốc thái dân an và tạ ơn tiền nhân đã có công khẩn đất để lại cơ nghiệp rỡ ràng cho hậu thế. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy.

 Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng nhấn mạnh: “Nhân dân xã Tân Hưng luôn hãnh diện về truyền thống quý báu của quê mình và luôn phát huy trong giai đoạn hiện nay để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Kim Liên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN