BDK.VN - Tháng 6-2024, Văn phòng Chính phủ có thông báo giao tỉnh cung ứng cát cho 3 dự án lớn của quốc gia đang được Chính phủ đầu tư tại các tỉnh phía Nam. Đây là một trong những nhiệm vụ tỉnh phải thực hiện. Bởi cát là nguồn tài nguyên của quốc gia, không phải của riêng ai. Bên cạnh đó, tỉnh còn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực có mỏ cát khai thác.
Khai thác cát lòng sông Hàm Luông khu vực mỏ An Đức - An Hòa Tây cung ứng cho dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ Chính phủ giao
Tại Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26-6-2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, Chính phủ giao tỉnh Bến Tre cung ứng cho các dự án: Dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu mét khối. Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 3,37 triệu mét khối. Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 2 triệu mét khối.
Theo kết quả triển khai thực hiện khai thác cung ứng vật liệu san lấp theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, đối với cung ứng 2 triệu khối cát san lấp cho Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Ngày 7-12-2024, UBND tỉnh đã ban hành 2 bản xác nhận giao 2 khu vực khoáng sản cho nhà thầu do Ban QLDA Mỹ Thuận giới thiệu với tổng trữ lượng 2 khu vực khoảng 1.912.239m3. Khu vực này đáp ứng cơ bản theo chỉ tiêu được giao là 2 triệu mét khốigồm: Khu vực trên sông Tiền thuộc xã Phú Đức, huyện Châu Thành, trữ lượng 1.124.511m³. Khu vực trên sông Tiền thuộc xã Định Trung, huyện Bình Đại, trữ lượng 787.728m³. Việc khai thác chính thức hoạt động từ ngày 15-1-2025.
Về sản lượng khai thác cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tính đến ngày 20-3-2025, khai thác 160.661m3, đạt 8,4%. Theo bản xác nhận được cấp, công suất khai thác 250.000m3/tháng nhưng khối lượng khai thác của nhà thầu chưa đạt theo công suất được cấp, chỉ mới đạt 25% của công suất cho phép, với các lý do, nhà thầu thi công chưa bố trí đủ số lượng phương tiện đăng ký, thành phần cát mịn, nhiều tạp chất nên phải thực hiện công đoạn rửa cát. Để đảm bảo khối lượng khai thác theo yêu cầu cung ứng cho công trình, tỉnh đã đề nghị các đơn vị thi công tập kết đủ phương tiện theo bản xác nhận vào khai thác. Đồng thời, lập phương án bổ sung, điều chỉnh thiết bị để trình xem xét, phê duyệt.
Đối với cung ứng 3,37 triệu mét khối cát cho Dự án thành phần 3 của dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 do Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư, ngày 7-12-2024, UBND tỉnh đã giao 2 khu vực khoáng sản cho chủ đầu tư dự án. Tổng khối lượng 2 khu vực khoảng 1.676.923m3, chưa đáp ứng đủ 3,37 triệu mét khối. Cụ thể: Khu vực sông Tiền thuộc xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, trữ lượng 1.015.883m³. Khu vực sông Ba Lai thuộc xã Phong Nẫm, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm và xã Châu Hưng, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, trữ lượng 661.040m³. Sản lượng khai thác tính đến thời điểm ngày 20-3-2025, đã khai thác được 128.945m3, đạt 7,7%, chưa đáp ứng khối lượng khai thác theo nhu cầu của Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang. Đối với khối lượng còn lại, ngày 12-2-2025, Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang có văn bản yêu cầu tỉnh giới thiệu thêm các khu vực mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 1,7 triệu mét khối cho dự án để tiến hành các thủ tục khảo sát, cấp phép khai thác theo Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Nhiều công trình cần cát xây dựng
Việc khai thác cát được cơ quan chức năng kiểm soát về vị trí, độ sâu khai thác, phương tiện khai thác...
Là đơn vị trúng đấu giá mỏ An Đức - An Hòa Tây thuộc xã An Đức và xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, đồng thời là một trong những nhà thầu thi công đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Bảo Châu - Phó giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Đối với công trình cầu Ba Lai 8 của tỉnh, chúng tôi phải cung ứng hơn 800 ngàn mét khối cát, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh là hơn 900 ngàn mét khối cát, chỉ 2 dự án này đã hơn 1,7 triệu mét khối cát, trong khi 2 mỏ cát của tỉnh (mà công ty trúng đấu giá) chỉ đáp ứng mỗi năm 800 ngàn mét khối cát, thực sự chưa đủ cung ứng cho nhà thầu, chưa nói đến nhu cầu của những nhà thầu khác. Do đó, nguồn cát đang thiếu trầm trọng và tình hình của các nhà thầu là rất căng thẳng...”.
Đối với các mỏ đấu giá cung ứng cát cho các công trình trọng điểm của tỉnh và cung ứng 2 triệu mét khối cát cho Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đối với công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, ngày 24-10-2024, tỉnh đã hoàn thành công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát. Cụ thể: Mỏ Quới Sơn thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, trữ lượng 1.073.695m³. Mỏ An Hiệp - An Ngãi Tây thuộc xã An Hiệp và xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri, trữ lượng 1.463.610m³. Mỏ An Đức - An Hòa Tây thuộc xã An Đức và xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, trữ lượng 1.696.818m³. Sau khi trúng đấu giá, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hướng dẫn, thực hiện các thủ tục có liên quan để cấp giấy phép khai thác theo quy định.
Khó khăn hiện nay của tỉnh là, sau khi giao khu vực khoáng sản theo cơ chế đặc thù cho các nhà thầu thi công, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương phối hợp với địa phương nơi có khoáng sản công khai thông tin khai thác đến người dân chịu ảnh hưởng. Kết quả thực hiện công khai đến dân, đa số người dân đồng tình với chủ trương giao mỏ cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù để cung ứng cát cho các công trình cao tốc. Tuy nhiên, đối với khu vực khoáng sản trên sông Tiền thuộc xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, một số hộ dân sống dọc bờ sông chưa đồng thuận với việc khai thác cát do lo ngại vấn đề sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến nhà cửa và đất đai, đề nghị lấy cát nơi khác để không gây sạt lở.
Bên cạnh đó, hiện nay, Chi cục Thuế khu vực XVIII chưa xác định giá để tính tiền thuê đất hoạt động khoáng sản nên chưa ra thông báo thuế để các công ty được cấp phép khai thác thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Từ những buổi công khai và tuyên truyền giữa chính quyền với người dân về chủ trương khai thác cát, nhiều người dân quan ngại khai thác cát có thể làm ảnh hưởng sạt lở bờ sông, khiến họ mất đất, mất nhà. Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: “Việc khai thác cát của Nhà nước là có kiểm soát”. Còn khai thác trái phép thường xảy ra gần bờ, cho dễ việc trộm cát và vận chuyển, từ đó dễ dẫn đến sạt lở bờ sông.