|
Thu hoạch lúa ở xã An Điền (Thạnh Phú). Ảnh: H. Hiệp |
Đươc sự hỗ trợ kinh phí của Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD), Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Trung tâm) triển khai thực hiện mô hình “Canh tác giống lúa chịu mặn cho các huyện vùng ven biển tỉnh Bến Tre”.
Mục tiêu là xây dựng mô
hình canh tác giống lúa chịu mặn có tính thích nghi tốt, ổn định đưa vào sản xuất
đại trà, tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác lúa ở các vùng đất nhiễm mặn của
3 huyện ven biển. Mô hình được thực hiện tại xã An Điền, Hòa Lợi (Thạnh Phú) với
10ha, mỗi xã 5ha.
Vụ Thu Đông năm 2015, cán bộ kỹ thuật của
Trung tâm phối hợp với cán bộ kỹ thuật huyện, Hội Nông dân 2 xã An Điền, Hòa Lợi
triển khai nội dung thực hiện mô hình và tiến hành khảo sát chọn hộ tham gia.
Có 25 hộ tham gia với diện tích 10ha (xã An Điền 12 hộ, Hòa Lợi 13 hộ). Chọn giống
OM 9921, OM 6162 đã qua khảo nghiệm và
đánh giá có khả năng chịu mặn, kháng sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn
xuất khẩu.
Sau khi gieo sạ, Trung tâm tổ chức tập huấn kỹ
thuật cho các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân sản xuất lúa trong xã. Dự
án AMD hỗ trợ cho nông dân 100% kinh phí mua lúa giống và 30% kinh phí mua phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật.
Kết quả cho thấy, tại xã Hòa Lợi, khi canh
tác giống OM 6162, các trà lúa phát triển khá tốt. Một vài ruộng không giữ nước
và kiểm soát được cỏ nên lúa sinh trưởng kém. Hiện nay, các trà lúa vào giai đoạn
trổ đều đến chín, chuẩn bị thu hoạch. Năng suất ước đạt 4,5 - 5 tấn/ha.
Tại xã An Điền, canh tác giống OM 9921, giai
đoạn sinh trưởng các trà lúa phát triển khá tốt. Một vài ruộng nằm trong khu vực
nuôi tôm công nghiệp bị ảnh hưởng nước thải của vuông tôm và nước nhiễm phèn
nên lúa sinh trưởng kém. Hiện nay, lúa vào giai đoạn thu hoạch, năng suất đạt
bình quân 4 tấn/ha. Điển hình có hộ ông Nguyễn Văn Nhum, năng suất đạt 5
tấn/ha.
Qua thực hiện thí điểm tại 2 địa phương cho
thấy, diện tích lúa thực hiện mô hình ở xã Hòa Lợi không tập trung thành khu vực
riêng mà đan xen vườn, ruộng và nông dân quen tập quán canh tác lúa mùa nên gặp
khó khăn trong hướng dẫn kỹ thuật. Mặt khác, hệ thống tưới tiêu chưa chủ động,
từ đó việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình canh tác khó áp dụng. Lịch
xuống giống không tập trung nên phần nào ảnh hưởng đến mùa vụ. Mô hình ở xã An
Điền có 2ha lúa nằm trong khu vực nuôi tôm công nghiệp nên bị ảnh hưởng nguồn
nước tưới tiêu, hơn 1ha đất bị nhiễm phèn. Một số nông dân còn chủ quan, kiến
thức về biến đổi khí hậu hạn chế nên vẫn còn áp dụng kỹ thuật canh tác truyền
thống, sử dụng lượng phân đạm cao.
Theo Kỹ sư Võ Hoài Chân - Phó giám đốc Trung
tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua mô hình nông dân tiếp cận được giống
đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng canh tác trên vùng đất nhiễm mặn. Sử dụng
giống lúa đạt phẩm cấp giúp nông dân giảm lượng giống khoảng 30kg/ha, giảm phân
bón 30 - 50kg/ha. Tăng năng suất bình quân khoảng 5 - 10% (tương đương 300 -
500kg/ha) giúp cải thiện thu nhập đáng kể. Tăng thu nhập bình quân 3,5 triệu -
4 triệu đồng/ha.
“Quá trình triển khai thực hiện mô hình giúp
cho nông dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến; tiếp cận kỹ thuật
canh tác mới và các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt như: bón phân cân đối,
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc… Bên cạnh đó còn giúp nông dân có
điều kiện quan sát thực tế sản xuất của các giống lúa triển vọng. Điển hình, giống
lúa OM 6162 dễ canh tác, kháng sâu bệnh tốt, năng suất gấp 1,5 lần so với lúa
mùa địa phương, phẩm chất gạo ngon, giá bán 7.000 đồng/kg, tăng hiệu quả kinh tế
trong sản xuất lúa của nông dân” - Kỹ sư Võ Hoài Chân nhấn mạnh.