Đẩy mạnh chuyển giao việc sản xuất kết hợp nuôi xen, trồng xen nhằm tăng thu nhập, tăng hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất theo hướng bền vững, an toàn. Liên kết sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Tổng nguồn vốn thực hiện các mô hình là 7,8 tỷ đồng gồm của tỉnh, Trung ương, dự án hợp tác nước ngoài.
Một số mô hình trình diễn thực hiện hiệu quả như mô hình canh tác tổng hợp dừa - ca cao - tôm càng xanh, tại Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc. Mục tiêu là xác lập, chuyển giao các kỹ thuật mới để canh tác tổng hợp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất cho vườn dừa trồng xen ca cao phù hợp. Các biện pháp kỹ thuật chuyển giao phát huy hiệu quả khá tốt, năng suất ca cao tăng 15%, năng suất dừa tăng 10%, năng suất tôm càng xanh tăng 14%. Tổng thu mô hình đạt 144 triệu đồng/ha; lợi nhuận đạt 85 triệu đồng/ha, cao hơn so với đại trà 15,4 triệu đồng/ha. Khả năng nhân rộng tốt, hiện có trên 20% số hộ có điều kiện đã và đang tham gia thực hiện mô hình.
Mô hình canh tác rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học, thực hiện tại TP. Bến Tre, Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri, Giồng Trôm. Mô hình chuyển giao kỹ thuật mới về hữu cơ sinh học vào sản xuất, thay thế dần biện pháp hóa học, tạo ra sản phẩm an toàn, môi trường canh tác bền vững; xác lập các kỹ thuật phù hợp trong việc sử dụng sản phẩm hữu cơ vi sinh; kiểm soát tốt dịch hại, năng suất tăng hơn 10%, giảm chi phí thuốc hóa học 20-30%, phân hóa học 10-15%, lợi nhuận cao hơn 20%. Hiện có trên 40% nông dân sản xuất rau ứng dụng.
Mô hình thâm canh ca cao trên vùng nhiễm mặn, thực hiện tại Ba Tri, Thạnh Phú. Mô hình chuyển giao và giới thiệu các kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại, giữ vững năng suất, chất lượng cho các vùng trồng bị tác động do ảnh hưởng của hạn mặn. Khi các giải pháp được áp dụng đồng bộ và chặt chẽ, cây ca cao vẫn duy trì được tình trạng sinh trưởng khá ổn định, phục hồi nhanh và không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Hiện trên 60% nông dân áp dụng.
Mô hình thâm canh tổng hợp bưởi da xanh, chôm chôm theo hướng hữu cơ sinh học, tại Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Châu Thành. Mô hình chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng kết hợp hữu cơ sinh học, thay thế dần các giải pháp hóa học, kiểm soát được dịch hại, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng tốt. Hiện có khoảng 40% nông dân ứng dụng.
Mô hình nuôi gà thả vườn, heo sinh sản theo hướng an toàn sinh học, thực hiện năm 2012 tại TP. Bến Tre, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Thạnh Phú. Mô hình đã chuyển giao kỹ thuật, dinh dưỡng, phòng trừ bệnh theo hướng tổng hợp; chú trọng giải pháp sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tỷ lệ gà sống 95%, lãi trên vốn 30%, không xảy ra dịch bệnh. Chăn nuôi heo: Mô hình nâng cao sinh trưởng, đề kháng bệnh, ổn định môi trường nuôi. Đa số các hộ chăn nuôi đều áp dụng các giải pháp kỹ thuật trên.
Sản xuất ca cao chứng nhận thực hiện tại Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, nhằm hướng tới sản xuất ca cao bền vững bằng nhóm giải pháp tổng hợp, như: thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn thế giới, liên kết sản xuất - tiêu thụ. Mô hình góp phần thay đổi nhận thức hơn 1.000 nông hộ về tập quán, kỹ thuật sản xuất; xây dựng - vận hành khá tốt hệ thống liên kết 4 nhà. Năng suất tăng hơn 20%, giá trị tăng thêm trong năm 2012 đạt 18,7%. Khả năng nhân rộng tốt, dự kiến năm 2013 số nông dân tham gia tăng lên 2.000 người, địa bàn mở rộng thêm tại huyện Bình Đại, Chợ Lách.
Mô hình sử dụng máy dò ngang, thực hiện tại Ba Tri, Châu Thành. Mô hình tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận công nghệ mới trong khai thác đánh bắt thủy sản. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan, sản lượng khai thác tăng 15-20%, giá trị sản phẩm tăng 10-15%, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, chi phí đầu tư quá cao, chưa có điều kiện hợp tác để phát huy hiệu quả máy nên chưa thể tác động thay đổi tập quán.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thực hiện tại Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, nhằm bổ sung, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp hệ thống oxy đáy; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định chất lượng nước, giúp tôm mau lớn, hạn chế tối đa dịch bệnh.
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất, thực hiện tại Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng công nghiệp, sử dụng thức ăn viên, kết hợp quản lý tốt các yếu tố môi trường nuôi. Lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/1.000m2, có khả năng nhân rộng tốt.
Mô hình nuôi cua biển từ giai đoạn ốp lên chắc, tại Bình Đại. Lợi nhuận bình quân 3 triệu đồng/1.000m2, trong thời gian 20-25 ngày, có khả năng nhân rộng tốt.
Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại Thạnh Phú với quy trình kỹ thuật sử dụng nguồn tôm giống sản xuất nhân tạo và thức ăn viên, quản lý tốt môi trường nuôi. Lợi nhuận bình quân 35 triệu đồng/ha, thời gian nuôi khoảng 6 tháng, có khả năng nhân rộng tốt.
Mô hình nuôi cá lóc tại Bình Đại và Ba Tri với quy trình kỹ thuật sử dụng nguồn thức ăn viên công nghiệp, quản lý tốt các yếu tố môi trường nuôi, lợi nhuận bình quân 40 triệu đồng/800m2, thời gian nuôi khoảng 5 tháng.
Mô hình nuôi ếch tại Bình Đại, Giồng Trôm, Châu Thành, Chợ Lách, sử dụng bể lót bạt để nuôi ếch bằng nguồn thức ăn viên công nghiệp, quản lý tốt các yếu tố môi trường nuôi, lợi nhuận bình quân 5 triệu đồng/100m2, thời gian nuôi 3 tháng, có khả năng nhân rộng tốt.
Mô hình nuôi cá điêu hồng tại Châu Thành, sử dụng lồng, thức ăn công nghiệp để nuôi mật độ cao nhằm nâng cao năng suất so với nuôi trong ao đất, lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/100m3.
Theo đánh giá của Trung tâm, điều quan trọng khi nông dân tham gia thực hiện các mô hình là đều có sự tiếp cận, tham khảo nhu cầu, điều kiện nên được sự đồng thuận, ủng hộ từ địa phương và có tính khả thi, hiệu quả cao. Các giải pháp kỹ thuật trước khi chuyển giao được chọn lọc, đánh giá kỹ nên phát huy hiệu quả. Đội ngũ khuyến nông viên tích cực trong việc tổ chức xây dựng mô hình. Tuy nhiên, Trung tâm chưa xây dựng đầy đủ các mô hình, ảnh hưởng tác động của các mô hình chưa mạnh đối với nhu cầu. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất còn bị giới hạn, nhất là trong lĩnh vực cơ giới hóa, sau thu hoạch, liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị. Qui mô mô hình còn nhỏ, điều kiện duy trì liên tục chưa được đảm bảo nên tính thuyết phục chưa tốt. Hoạt động thông tin tuyên truyền chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nguyên nhân, do kinh phí thấp, đặc biệt là nguồn Khuyến nông Quốc gia. Thị trường luôn biến động; tỉnh chưa có đầy đủ doanh nghiệp tiêu thụ các ngành hàng nên ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của dân và khả năng nhân rộng của mô hình. Diễn biến của khí hậu, dịch hại, thiên tai, môi trường ngày càng phức tạp. Quy hoạch thiếu ổn định gây trở ngại cho việc xây dựng các dự án nhân rộng đòi hỏi tính cộng đồng, liên kết tiêu thụ, cơ giới hóa. Năng lực tiếp cận, chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp của cán bộ khuyến nông còn hạn chế. Kế hoạch, dự án, phương pháp nhân rộng tại địa phương thiếu cụ thể, hoặc chưa được tổ chức, chỉ đạo, phân công. Để mô hình đạt hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng tốt cần chú ý các giải pháp dự án mở rộng. Trong đó, cần có sự vận dụng kết hợp giữa chủ trương của Nhà nước, ngành nông nghiệp gắn với nhu cầu và điều kiện ở địa phương trong việc xác định mục tiêu, nội dung mô hình. Qui mô đầu tư mô hình cần được nâng lên để sản phẩm thành hàng hóa, đặc biệt là trong điều kiện cần liên kết, tác động nhanh, tạo sự chuyển biến rõ trong sản xuất. Việc nhân rộng mô hình phụ thuộc rất lớn vào các địa phương, nơi trực tiếp tổ chức sản xuất, cần có chủ trương, chính sách khuyến khích và phân công trách nhiệm cụ thể cho cả “4 nhà”.