Mức lương tối thiểu đối với người lao động

24/06/2022 - 05:28

BDK - Thông tin từ Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, kể từ ngày 1-7-2022, mức lương tối thiểu áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc 2 KCN Giao Long và An Hiệp, huyện Châu Thành mức lương vùng II. Mức lương tối thiểu 4,16 triệu đồng/tháng, tăng 240 ngàn đồng so với mức lương tối thiểu vùng II tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Mức lương tối thiểu của người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp sẽ được tăng kể từ ngày 1-7-2022.

Mức lương tối thiểu của người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp sẽ được tăng kể từ ngày 1-7-2022. 

Nhanh chóng triển khai

UBND tỉnh vừa có công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), BQL các KCN, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiếu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2022.

Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện về Bộ LĐTB&XH theo quy định.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đúng quy định, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN, tại Công văn số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN, Bộ LĐTB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thống nhất một số nội dung.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với BQL KCN, khu chế xuất, các LĐLĐ, tổ chức đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại địa phương và các ban, ngành liên quan nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn NSDLĐ và NLĐ trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đúng quy định. Đặc biệt, lưu ý 2 nội dung sau: Về cơ chế và đối tượng áp dụng, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để NLĐ, công đoàn và NSDLĐ thỏa thuận mức lương và trả lương cho NLĐ. Trong đó, mức lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với NLĐ đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo tháng. Mức lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với NLĐ đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.

Đối với NLĐ đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiếu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định.

Việc quy đổi mức lương theo tháng hoặc theo giờ này do NSDLĐ lựa chọn. Kết quả quy đổi nhằm kiểm tra mức độ tuân thủ việc trả lương cho NLĐ theo các hình thức so với mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiếu giờ do Chính phủ quy định. Nghị định không yêu cầu phải thay đổi hình thức trả lương mà NSDLĐ và NLĐ đã thỏa thuận.

Mức lương tối thiểu

Kể từ ngày 1-7-2022, mức lương tối thiểu áp dụng cho các DN thuộc KCN Giao Long và KCN An Hiệp, huyện Châu Thành mức lương vùng II. Mức lương tối thiểu 4,16 triệu đồng/tháng, tăng 240 ngàn đồng so với mức lương tối thiểu vùng II tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP. DN không thể trả mức lương thấp hơn mức 4,16 triệu đồng, kể cả NLĐ là tạp vụ, nhân viên lau dọn, NLĐ không qua đào tạo, không có trình độ.

Riêng NLĐ đã qua đào tạo, gồm: đào tạo ngắn ngày, dài ngày, do DN tự đào tạo đều phải áp dụng mức lương tối thiểu 4,16 triệu đồng, cộng thêm 7% (cho người đã qua đào tạo). Thêm nữa, đối với một số DN có NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%, so với mức lương tối thiểu và mức lương đã qua đào tạo. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo tháng (tính theo tháng là 26 ngày công).

Mức lương tối thiểu tính theo giờ 20 ngàn đồng/giờ. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo giờ.

Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định NSDLĐ có trách nhiệm: Rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của NSDLĐ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Bộ LĐTB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với BQL KCN, khu chế xuất, các LĐLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ tại địa phương và các ban, ngành liên quan tăng cường việc hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, tổ chức công đoàn cơ sở và NSDLĐ trong các hoạt động đối thoại, thương lượng. Đặc biệt, thương lượng tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN