BDK - Hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác, hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương. Vì thế, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian qua.
Thi công trụ tháp cầu Rạch Miễu 2 (ảnh chụp ngày 24-10-2024). Ảnh: Thạch Thảo
Đầu tư hạ tầng giao thông
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư theo quy hoạch, nhất là các công trình kết nối và rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa tỉnh với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, kết nối các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; kết nối các đường tỉnh, đường vào các khu, cụm công nghiệp với tuyến quốc lộ qua địa bàn tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả.
Tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh đã hoàn thành các dự án (DA) trọng điểm như: Nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; ĐH.173 đoạn từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành đến tượng đài Tiểu đoàn 516 (nay là ĐT.883) và giai đoạn 2 nâng cấp ĐT.883; giai đoạn 1 DA xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (nay là ĐT.881); xây dựng hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh chiếu sáng trên tuyến quốc lộ 60...
Tỉnh đang tập trung thi công các DA: Giai đoạn 2 DA xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú; Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú (DA ĐH.17); xây dựng Đường từ cảng Giao Long đến khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận (ĐT.DK.07); DA cầu Rạch Miễu 2; DA cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển. Đồng thời, đang chuẩn bị khởi công: DA đường Bắc Nam phục vụ KCN Phú Thuận và Cụm công nghiệp (CCN) Phong Nẫm; đề xuất đầu tư các DA mới như: Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh; cầu Cửa Đại liên tỉnh Bến Tre - Tiền Giang; cầu Ba Lai 6 trên ĐT.DK.08; nâng cấp thảm bê-tông nhựa mặt đường ĐH.173 (nay là ĐT.883).
Đẩy mạnh liên kết vùng
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, DA trọng điểm của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư. Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, DA, nhất là hoàn thành DA đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, DA đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; DA đầu tư hạ tầng KCN Phú Thuận; đầu tư DA Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh. Tiếp tục hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải 3 CCN: Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), Phong Nẫm (Giồng Trôm) và Thị trấn - An Đức (Ba Tri). Hỗ trợ các DA điện gió đã hoàn thành thực hiện các thủ tục đấu nối với lưới điện quốc gia.
Lễ khởi công cầu Ba Lai 8, công trình hoàn thành sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh theo hướng liên vùng. Ảnh: Công Trí
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai Đề án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh và xây dựng các tiêu chuẩn đô thị loại I, III, IV. Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các DA khu đô thị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Phát biểu tại lễ khởi công DA xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh vào đầu tháng 10-2024, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã dành nguồn vốn lớn cho phát triển hạ tầng giao thông của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Nhiều DA xây dựng công trình giao thông lớn, có tính liên kết, lan tỏa trong khu vực ĐBSCL đã được hoàn thành, tạo thuận lợi kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh ven biển phía Đông ĐBSCL nói riêng, trong đó có tỉnh Bến Tre.
Khu vực ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu là từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của khu vực ĐBSCL. DA đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi từ TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu là một hạng mục quan trọng trong quy hoạch. Hiện Chính phủ đang triển khai thực hiện các DA phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc Chương trình Mekong DPO bằng nguồn vốn vay ODA, trong đó có DA xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh.
“Bến Tre cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác công tư; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các công trình, DA trọng điểm, có tính kết nối nội vùng và liên vùng (các cầu: Rạch Miễu 2, Ba Lai 8, Cửa Đại, Đình Khao, Cổ Chiên và tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh…)”.
(Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình)