Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa lớn nhằm khẳng định quyết tâm chính trị trong việc triển khai đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc-Nam trong thời gian ngắn nhất, đạt chất lượng cao nhất.
Muốn như vậy, ngay từ giai đoạn đầu, công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù, GPMB phải được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học, chính xác.
Tại Hội nghị này, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ bước đầu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai công tác bồi thường-GPMB; chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu phục vụ xây dựng cũng như những vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam.
Tuyến cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm quốc gia được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Trước mắt, đầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc (03 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và 08 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư) với tổng chiều dài 654 km; tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, bao gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. Theo Báo cáo của Bộ GTVT, đến nay Bộ đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông.
Công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án dự kiến hoàn thành cuối quý I, đầu quý II năm 2019. Trong đó, riêng Dự án Cao Bồ-Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và triển khai cắm xong cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, đã bàn giao cho địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc. Dự án Cam Lộ - La Sơn đang thực hiện việc lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và định vị cắm cọc ngoài thực địa. Các dự án còn lại đang trong bước đấu thầu lựa chọn tư vấn.
Công tác thiết kế kỹ thuật dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật Dự án Cao Bồ-Mai Sơn trong tháng 4 năm 2019, Dự án Cam Lộ-La Sơn trong tháng 5 năm 2019 và các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8 và tháng 9 năm 2019. Riêng cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất đặc biệt thời gian thiết kế dài hơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 năm 2019. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, thiết kế kĩ thuật cho 11/11 dự án.
Bộ GTVT cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 11/11 dự án. Với 03 dự án đầu tư công thuộc các đoạn, Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã lựa chọn xong nhà thầu tư vấn. Với 08 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/08 dự án. Về cơ bản, các gói thầu/dự án đã được đánh giá xong đề xuất kỹ thuật, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 02 năm 2019.
Về khung chính sách giải phóng mặt bằng các dự án, 3 dự án bao gồm: QL45-Nghi Sơn, Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết do đi qua một tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng. 08/11 dự án còn lại, bao gồm: Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-QL45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lộ-La Sơn, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Phan Thiết-Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách. Bộ GTVT đã có văn bản gửi các tỉnh có dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án làm việc với địa phương.
Đến nay, 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các hội đồng giải phóng mặt bằng. Riêng dự án Phan Thiết-Dầu Giây qua 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trên cơ sở kiện toàn lại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để thực hiện dự án theo đúng quy định.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương sẽ nêu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, với mục tiêu triển khai công tác giải phóng mặt bằng một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, là tiền đề để triển dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 trong thời gian ngắn nhất.
Nguồn: Chinhphu.vn