Tăng năng lực ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

30/05/2021 - 21:00

BDK - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Người dân chủ động xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: P. Nhân

Người dân chủ động xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: P. Nhân

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020. Tất cả chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trong tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về PCTT, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, tất cả hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng chống, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, hàng năm, ngành chức năng tỉnh tổ chức rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; nghiên cứu các loại cây, con giống thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu PCTT, đảm bảo đến năm 2025 cơ bản không còn bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Đồng thời, tỉnh sớm triển khai lắp đặt 56 trạm quan trắc nước tự động thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (dự án JICA3).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ triển khai các phương án phòng chống, ứng phó với gió mạnh trên biển, áp thấp nhiệt đới và bão; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; lốc, sét; nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn; sạt lở bờ sông, bờ biển và ngập lụt, nước dâng.

Theo UBND tỉnh, diễn biến tình hình thiên tai, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển... đang ngày càng cực đoan, gay gắt, làm ảnh hưởng lớn đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cần nguồn kinh phí khoảng 7.527 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu PCTT.

5 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, dân sinh. Đến nay, sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 114,5km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 19km đã làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.

Phúc Nhân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN