Người Phương Nam
(Viếng hương hồn người xưa
mở đất phương Nam)
Trăng phương Nam như tan trong sương
Người phương Nam cạn chén hồ trường (*)
Từ giã kinh kỳ bạt lau lách
Đuổi thú hung tàn dạt biển Đông
Người phương Nam ngày xưa áo tơi
Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời
Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu
Rượu say tim bốc đến tận trời
Người phương Nam đi là cứ đi
Một chiếc ghe con có sá gì
Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn
Không cần danh vị, bỏ vinh quy
Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu
Cạn chén này đi rồi bạn về
Bạn ở kinh kỳ, ta ở quê
Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ
Bạn bước xa dần ta tái tê...
Trong một lần nói chuyện cùng bạn bè, Vũ Hồng tâm sự: “Tôi viết bài thơ Người phương Nam khi tham quan núi Cấm (ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn) nhân dịp tham gia trại sáng tác khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại tỉnh An Giang năm 1993”. Có lẽ khi đứng trên núi cao, giữa mênh mông đất trời, hướng mắt nhìn đồng ruộng bao la, làng mạc trù phú xa tít tắp đến tận chân trời, Vũ Hồng đã xúc cảm để viết nên bài thơ mà lời đề từ đã nói lên hết tấm lòng của tác giả: Viếng hương hồn người xưa mở đất phương Nam.
Xét về tính giáo dục, tôi cho rằng bài thơ sẽ giúp các em học sinh hiểu được đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiểu và cảm thông được những khó khăn, gian khổ của cha ông ta phải đối mặt khi khai phá vùng đất phương Nam. Mặt khác, bài thơ là sự phác thảo chân dung tâm hồn, tính cách điển hình của con người Nam bộ nói chung, con người Bến Tre nói riêng. Bài thơ “địa phương” nhưng tầm vóc, vị thế ở khu vực, thậm chí cả nước bởi vì tư tưởng sâu sắc nhất bài thơ cho thấy rằng người Việt Nam, dù Bắc-Trung-Nam, đều có cùng cội nguồn, cùng nòi giống Việt.
Có nhiều bài viết của các tác giả có uy tín trên văn đàn phân tích về bài thơ Người phương Nam của Vũ Hồng, đặc biệt là bài viết của nhà thơ Trúc Thông. Nhìn chung, đa số các tác giả đã dành những lời khen tặng cho một bài thơ hay. Riêng tôi, tôi muốn phân tích bài thơ dưới dạng góc độ bình giảng trong nhà trường. Phải chăng đây là một bài thơ giáo viên khó giảng, học sinh khó cảm thụ?
Tính cách điển hình của người phương Nam:
Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Khi nhận thấy các từ sau đây xuất hiện rải rác trong các khổ thơ: Cạn chén (xuất hiện hai lần), đối ẩm tràn chung rượu, rượu say tim bốc đến tận trời, say thì say trọn, chếch choáng, có người cho rằng viết như vậy cho thấy người phương Nam “nhậu” nhiều quá, nếu đem giảng dạy trong nhà trường nhất định ảnh hưởng đến học sinh, nhất là học sinh cấp trung học cơ sở. Theo tôi, nhận định trên có phần khắt khe. Trước cảnh hoang sơ nê địa, cọp gầm sấu nghé, con người luôn có cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên hoang dã thì một chén rượu sẽ làm tăng thêm sức mạnh để đuổi thú hung tàn, trước một nỗi nhớ cố hương, nhớ mẹ hiền (nhớ ầu ơ, ví dầu thì chắc chắn là nhớ mẹ rồi) thì một chén rượu cũng làm nguôi ngoai lòng kẻ tha phương, trước một tri kỷ thì chắc phải là… thiên bôi thiểu. Nếu ta đọc kỹ, ta thấy tác giả viết say thì say trọn, say trọn khác với say nhiều. Ta cũng thường nói trọn tình trọn nghĩa. Như vậy say rượu chỉ là phương tiện để đi đến mục đích cuối cùng là say tình, say bạn.
Lưu dân thời mở đất là những con người tứ xứ, nhiều thành phần xã hội nên tất nhiên cũng có nhiều nỗi niềm. Thành thử ai đó có những nỗi buồn sâu kín trong lòng không biết tâm sự cùng ai cũng là điều dễ hiểu. Ta thường nghe buồn lâu, hận sâu nhưng buồn sâu là một cách diễn đạt tính cách của người phương Nam chấp nhận được.
Thơ thì ít lời hơn văn xuôi, nhưng trong vỏn vẹn hai chục câu thơ, Vũ Hồng cũng cho thấy những tính cách khác của con người phương Nam: Dũng cảm, chân thực, khảng khái, trọng nghĩa khinh tài, chịu thương, chịu khó…
Thể thơ cổ, nhiều từ Hán Việt:
Phải chăng đây là lý do chính để bài thơ khó giảng đối với học sinh cấp trung học cơ sở. Về mặt hình thức, theo tôi, sử dụng câu thơ bảy chữ mang dáng dấp của Đường thi, giọng điệu bi tráng của thể hành là có chủ ý của tác giả.
Những từ Hán Việt kinh kỳ, Hàm giang, đối ẩm, phong trần, vinh quy, cố hương, tri kỷ và đặc biệt là điển tích hồ trường sử dụng đắt chỗ trong năm khổ thơ đã làm sống lại bối cảnh của thời xa xưa. Và với cách “trở về” quá khứ bằng cách sử dụng thể thơ cổ, từ Hán Việt ít nhiều cũng đạt được hiệu quả truyền đạt tư tưởng từ người viết đến người đọc. Kể chuyện xưa mà dùng lời xưa cũng thấy hợp logic.
Đúng ra với tựa đề là Người phương Nam thì phải viết một bài văn xuôi tương đối dài mới có thể diễn tả được hết giai đoạn lịch sử khai phá vùng đất phương Nam trên ba trăm năm. Nhưng dù sao, với một bài thơ, tuy ít chữ nhưng có một ý hay là để người đọc cảm thụ văn chương theo sức tưởng tượng của mình. Mỗi người có thể nhìn và cảm nhận vẻ đẹp của nó theo nhiều góc độ và cung bậc khác nhau. Do vậy, tất cả những điều nêu trên chỉ là cảm nhận riêng mà người viết muốn chia sẻ cùng bạn đọc.
____________________________
(*) Hồ trường: chén rượu, bình rượu.
Bài thơ (bài ca) “Hồ trường” của Nguyễn Bá Trác (1881-1945) có câu: Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
(Trích từ Nam Phong tạp chí, số 41, năm 1920)