Thông cáo báo chí số 3 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

23/10/2020 - 07:17

Thứ Năm, ngày 22-10-2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Toàn cảnh Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Tại phiên thảo luận đã có 23 đại biểu phát biểu và 7 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể như sau:

- Về thẩm quyền xử phạt: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật về các chức danh có thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cụ thể và bổ sung một số thẩm quyền cụ thể của một số chức danh.

- Về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”: Một số ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đại biểu cho rằng việc quy định biện pháp này là cần thiết nhưng chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể.

- Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Các ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản tán thành với quy định về đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số đối tượng cụ thể. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp (khoản 1 Điều 96) quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật này.

- Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính:

i) Đối với quy định về việc tạm giữ người (Điều 122): các đại biểu Quốc hội phát biểu cơ bản tán thành với dự thảo Luật, theo đó có 5 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính quy định tại khoản 1 Điều 122, bao gồm 2 trường hợp đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định và 3 trường hợp mới được bổ sung.

ii) Đối với quy định về việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Điều 131): về cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành việc quản lý đối với người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vì đây cũng là biện pháp đang được áp dụng theo Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không có nơi cư trú ổn định nên giao cho chính quyền cấp cơ sở quản lý sẽ phù hợp và khả thi hơn; đồng thời, cũng có ý kiến đại biểu tán thành nên giao Công an cấp huyện quản lý.

Sau thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo Luật, phát biểu sôi nổi, thẳng thắn và cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo Luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu thời điểm có hiệu lực của Luật để bảo đảm đủ thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Luật sửa đổi này và tổ chức triển khai thi hành Luật. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu; trong đó, về cơ bản ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; về bên ký kết Việt Nam; nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế, các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký; thủ tục ủy quyền thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế… Sau thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là:

- Về phạm vi điều chỉnh và khái niệm thỏa thuận quốc tế: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh và khái niệm thỏa thuận quốc tế đã được tiếp thu, chỉnh lý như trong dự thảo luật. Cũng có ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm một số cụm từ cho phù hợp hơn với bố cục và nội dung của dự thảo luật.

- Về bên ký kết Việt Nam: Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý như nội dung này được thể hiện trong dự thảo luật. Đối với cấp xã chỉ mở rộng đến các xã, đơn vị cấp xã thuộc khu vực biên giới và với những điều kiện, phạm vi nhất định. Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế như các bệnh viện, các học viện và trường đại học.

- Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế: Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu nhất trí quy định về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như trong dự thảo Luật, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một số nội dung cho chặt chẽ hơn.  

- Về trình tự, thủ tục rút gọn: Đa số ý kiến đại biểu nhất trí quy định cụ thể về trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức như tại dự thảo Luật.

Ngoài ra, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về một số nội dung khác và kỹ thuật lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của kỳ họp này.

Thứ Sáu, ngày 23-10-2020: Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận trực tuyến về dự án Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN