Trùng tu, chấn chỉnh di tích đã xuống cấp

03/05/2019 - 22:14

BDK.VN - Hiện nay, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp mà không có nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo, nhất là các ngôi đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Mái ngói đình Tiên Thủy đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: BQLDT

Mái ngói đình Tiên Thủy đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: BQLDT

Các công trình này có niên đại hàng trăm năm, kết cấu khung sườn đều là gỗ quý được chạm trỗ công phu, sắc sảo, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao và nguồn vốn đầu tư lớn nên Ban Khánh tiết (Ban Quản lý) các ngôi đình này không có khả năng thực hiện.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi xã hội hóa trong nhân dân cũng còn nhiều hạn chế, nguồn kinh phí này không đủ để trùng tu toàn diện mà chủ yếu là sửa chữa nhỏ, chống xuống cấp di tích với một số việc làm cụ thể như: chống mối mọt, xây hàng rào, lát gạch sân đình, sửa chữa cổng,...

Di tích cấp quốc gia xuống cấp

Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ở các di tích được xếp hạng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh hiện nay đã gây bức xúc trong dư luận, trong đó xuống cấp nặng nhất là đình Tiên Thủy (huyện Châu Thành) và đình Phú Lễ (huyện Ba Tri).

Đình Tiên Thủy, hệ thống cột, kèo, xuyên, trính, đòn tay, hoành phi, bao lam, hương án đã bị mối mọt xâm hại nặng làm hư hỏng nhiều chỗ. Nền gạch bị sụp, lún gần như toàn bộ ngôi đình. Rui, mè mụt nát, mái ngói xuống cấp trầm trọng nên mưa thấm dột nhiều nơi.

Từ khi được xếp hạng di tích quốc gia đến nay, đình Tiên Thủy chưa được trùng tu lần nào. Ban Khánh tiết đình dùng nguồn kinh phí xã hội hóa ít ỏi để làm hàng rào, lát lại sân, chống mối mọt,... Thực tế, đình đã bị trộm lấy cắp một cặp long trụ mà đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Đình Phú Lễ, hệ thống cột, kèo, xuyên trính đã bị mối mọt xâm hại làm hư hỏng nặng. Hoành phi, bao lam, khánh thờ, hương án cũng bị hư hỏng nhiều. Nền đình bị sụp, lún, nứt nhiều nơi. Tình trạng mất cấp cổ vật có xảy ra, đã thu hồi được một số cổ vật. Còn cặp hạc cổ bằng đồng màu đen có trọng lượng gần 100 kg đến nay chưa thu hồi được. Hiện nay, hai mặt phía trong và phía sau của đình không có hàng rào bảo vệ. Vì khuôn viên đình rất rộng nên việc xây dựng hàng rào Ban Khánh tiết đình không có khả năng.

Trùng tu di tích không đúng chuyên môn và nguyên tắc

Theo Danh mục Kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt ban hành năm 2016, đình Phú Thuận (huyện Bình Đại) được đưa vào danh mục xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nhưng khi chuẩn bị làm hồ sơ, Ban Khánh tiết đình vận động được nhà tài trợ đã cho hạ giải để trùng tu lại nhà Võ ca theo hướng bê-tông hóa chỉ còn lại 4 cây cột gỗ ở khu vực tứ trụ là còn nguyên. Các hoa văn, họa tiết của đình vốn được sơn son thếp vàng rất cổ kính nay sơn lại mới hoàn toàn không theo màu vốn có của nó làm mất đi giá trị gốc của di tích.

Theo lý giải của Ban Khánh tiết đình Phú Thuận, Võ ca đã xuống cấp nặng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ban Khánh tiết đình có xin phép chính quyền địa phương trùng tu Võ ca mà không xin ý kiến cơ quan chuyên môn về quản lý di tích. Khi hạ giải để trùng tu thì toàn bộ cột, kèo, xuyên đã mụt nát chỉ còn lại 4 cây ở khu vực tứ trụ nên buộc phải bê-tông hóa để bảo đảm an toàn cho nhân dân đến tham gia các hoạt động dịp lễ hội của đình nhưng vẫn bảo đảm kiểu dáng, kiến trúc cũ, chỉ thay đổi chất liệu. Các hoa văn thì không thể sơn y hệt màu cũ vì hiện nay không còn màu sơn đó nữa. Qua góp ý của các ngành, Ban Khánh tiết đình sẽ khắc phục sơn lại màu sơn những hoa văn mây như cũ.

Đình An Hiệp (huyện Châu Thành), khu Chánh điện cũng bị xuống cấp nặng. Khi trùng tu do không có cột gỗ để thay thế nên buộc phải làm cột bê-tông sơn giả gỗ toàn bộ.

Đình Bình Hòa trước khi được trùng tu. Ảnh: BQLDT

Đình Bình Hòa trước khi được trùng tu. Ảnh: BQLDT

Riêng đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm) đã được đầu tư lớn để trùng tu, tôn tạo. Trong quá trình trùng tu, người thợ đã làm dấu lên các đầu kèo, liễn đối, hoành phi,... để ráp lại cho đúng vị trí. Nhưng khi hoàn thành thì không xóa đi các dấu vết cũ. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở việc này và Ban Khánh tiết đình đã cho làm vệ sinh sạch sẽ các vết tích. Việc mất trộm hiện vật có xảy ra. Có lần bắt được thủ phạm, có lần không. Mỗi lần như thế thì Ban Khánh tiết đình trình báo chính quyền địa phương để xử lý. Hiện vật mất cắp không có giá trị lớn, chỉ là lư hương bằng sành (đồ mới). Thủ phạm trong vụ trộm cắp tượng bát tiên bị phát hiện kịp thời và bị bắt,xử lý theo pháp luật.

Giải pháp khắc phục

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các ban, ngành hữu quan và cơ quan chuyên môn quản lý di sản quan tâm chăm sóc, bảo vệ di tích, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường bảo vệ hiện vật ở di tích trước những hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp của bọn trộm cắp.

Hướng tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các nội dung trên và sẽ ban hành văn bản để chấn chỉnh lại việc phát ngôn ở các khu di tích khi tiếp xúc phóng viên báo chí hoặc đối tượng khác. Ai được thẩm quyền phát ngôn, ai không được, đảm bảo tính chuẩn mực khi phát ngôn để không làm ảnh hưởng đến di tích.

Đối với việc họp bầu Ban Khánh tiết những ngôi đình được xếp hạng di tích phải có đại diện của chính quyền địa phương tham gia và ra quyết định công nhận Ban Khánh tiết. Sau đó, Ban Khánh tiết xây dựng quy chế hoạt động cụ thể. Tình trạng hiện nay, có nơi trong Ban Khánh tiết ý kiến không thống nhất nên ảnh hưởng đến hoạt động chung của di tích.

Những người trông giữ di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật (đình, chùa) hiện nay đa số không có trả lương, chủ yếu nhờ những ông Từ đình trông giữ. Những người này tuổi tác đã cao (trên 60 tuổi), trình độ hạn chế. Do vậy, hướng tới đây sẽ chọn người có trình độ tương đối để phục vụ khách tham quan và có chế độ trả lương ít nhất bằng lương tối thiểu hoặc hơn (theo tình hình thực tế địa phương).

Những di tích xếp hạng cấp quốc gia nay đã xuống cấp nghiêm trọng, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đi khảo sát thực tế xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp để xin nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vốn trung hạn giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện.

Trần Hoàng Huấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN