Xây dựng đê bao cho hai xã Hưng Phong và Tam Hiệp

07/07/2023 - 05:20

BDK - Hàng trăm héc-ta đất vườn được bảo vệ. Hàng ngàn hộ gia đình rồi đây sẽ không còn chịu cảnh bốn bề nhà mình mênh mông nước ngập nhấn chìm cây cối, vườn tược. Hai dự án đầu tư đê bao hai xã Hưng Phong (Giồng Trôm) và Tam Hiệp (Bình Đại) là nỗ lực của tỉnh với tổng mức đầu tư 2 dự án hơn 600 tỷ đồng.

Mặt bằng thi công Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp.

Mặt bằng thi công Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp.

Hưng Phong có đê

Xã Hưng Phong (còn gọi là cồn Ốc) là xã đảo, đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đảo tại Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20-4-2021. Xã Hưng Phong thuộc tiểu vùng IV huyện Giồng Trôm, cách trung tâm huyện 22km. Xã Hưng Phong với bốn bề là sông nước. Địa hình cồn bãi ẩm thấp, điều kiện giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Người dân muốn qua đất liền phải phụ thuộc vào phà, đò ngang.

Diện tích đất tự nhiên ở Hưng Phong 1.277ha, trong đó đất canh tác 619ha. Xã có 4 ấp: Hưng Long, Hưng Phú, Hưng Quí, Hưng Điền, 66 tổ nhân dân tự quản, 1.524 hộ dân và 6.200 nhân khẩu.

Trước đây, Hưng Phong là vùng đất trù phú, chủ yếu trồng cây ăn trái năng suất cao. Đời sống người dân khá ổn định. Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn và ngập sâu diễn ra hàng năm, thời gian kéo dài đã làm cho các cây trồng không còn thích hợp trên vùng đất này. Để thích ứng với tình hình hiện tại, người dân đã chuyển sang trồng dừa.

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, khi nước triều lên thì mực nước sông Hàm Luông phía Mỏ Cày Nam lên nhanh hơn phía Giồng Trôm, mực nước dao động từ 0,5 ÷ 1m đã tạo thành mảng dòng chảy tràn qua toàn bộ xã Hưng Phong, cuốn đi lượng đất màu mỡ của lớp mặt, phá vỡ các đê bao của người dân, đường sá lún sụt gây hư hỏng nghiêm trọng.

Dự án “Xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm” có quy mô đầu tư xây dựng, gồm: Tuyến đê bao cách mép bờ sông khoảng 20 - 40m kết hợp đi theo đường hiện trạng khoảng 1,238km và chiều dài dự kiến thiết kế mới khoảng 9.870m. Tổng chiều dài tuyến đê 11,108km; bề rộng mặt đê 6,5m; cao trình đỉnh +3,0m; kết cấu mặt đê: đào đất lòng đê đắp ra 2 bên lề, bơm cát đắp thân đê và bề mặt đê có kết cấu bằng tấm bê-tông M250, dày 18cm. Bên cạnh xây dựng tuyến đê bao kết hợp đi theo đường, dự án còn thực hiện rất nhiều cống ngăn mặn. Cụ thể, xây 7 cống hộp, gồm: Tám Chép, Hai Dũng, Sáu Đạt, Nghĩa Trang, Cái Đôi, Chín Xệ, Rạch Đình. 10 cống ngầm Phi 150cm và 10 cống ngầm khác Phi 100cm, 3 cống hở 5m (kết hợp xây cầu), 3 cống hở 3,5m (kết hợp xây cầu).

Công trình do UBND tỉnh quyết định đầu tư, phát lệnh khởi công vào tháng 3-2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2025. Mục tiêu đầu tư là ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Đặc biệt, bảo vệ diện tích sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân trên địa bàn, ổn định tâm lý cho người dân, để an tâm chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Công trình đê bao kết hợp phát triển giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường vùng dự án, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái miệt vườn cho khu vực.

Bảo vệ vườn nhãn Tam Hiệp

Ông Lê Văn Thiên, người dân ngụ xã Tam Hiệp cho biết: “Nhà nước khởi công xây dựng đê bao tôi mừng lắm, vừa bảo vệ được vườn nhãn đặc sản của người dân bao đời gầy dựng, vừa không còn phải nơm nớp lo sợ sạt lở đất...”. Xã Tam Hiệp là một xã cù lao (được công nhận là xã đảo theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ). Xã có kinh tế vườn phát triển so với các xã khác của huyện Bình Đại. Diện tích tự nhiên của Tam Hiệp là 1.365ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp 565ha chủ yếu trồng nhãn.

Mặt bằng thi công Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp.

Mặt bằng thi công Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp.

Là vùng đất cù lao có địa hình thấp, Tam Hiệp thường xuyên ngập sâu dưới mực nước triều cường sông Tiền mà trực tiếp là nhánh sông Cửa Đại. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư một số đoạn đê quanh cồn có chiều dài 2,36km với quy mô đảm bảo yêu cầu ổn định, ngăn triều cường và đang phát huy hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, trong khi tuyến đê bao xung quanh cồn có chiều dài hơn 20km nên việc đầu tư chỉ mang tính cục bộ tại những đoạn xung yếu. Còn lại do chính quyền và nhân dân địa phương tại xã theo diện tích đất sản xuất của hộ đã tự đắp tuyến đê bao nhưng với quy mô nhỏ và mang tính tạm thời, dễ vỡ và tràn bờ, gây nhiều bất lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Dự án Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại khởi công xây dựng vào tháng 2-2023. Công trình xây dựng tuyến đê với tổng chiều dài 20,66km, bề rộng đỉnh đê 3m; gia cố mái tại các vị trí xung yếu bằng thảm đá với tổng chiều dài 4,292km. Xây dựng 22 cống hộp và 42 cống tròn trên tuyến đê. Thời gian hoàn thành vào năm 2025. Diện tích sử dụng đất 26,15ha.

Tam Hiệp là xã đảo nằm giữa sông Cửa Đại, xung quanh là sông nước, không khí trong lành, có vị trí gần các khu, cụm công nghiệp như Giao Long, Giao Hòa, Phú Thuận. Việc đầu tư đê bao không chỉ giúp bảo vệ vườn nhãn đặc sản của người dân, về lâu dài, nơi đây còn có tiềm năng phát triển du lịch vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái.

Dự án “Xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án 285,4 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.

Dự án “Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án 325,6 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN