Xây dựng chuỗi giá trị dừa bền vững, bài 1

Phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn

17/02/2025 - 05:42

BDK - Thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, hướng tới sản xuất bền vững. Đây được xem là “chìa khóa” để doanh nghiệp (DN) trong tỉnh mở cửa xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến sâu từ dừa ra thị trường thế giới.

Vùng nguyên liệu dừa tươi đạt chuẩn hữu cơ phục vụ xuất khẩu. Ảnh: H. Trung

Phục hồi, tăng dần diện tích trồng

Cây dừa từng phát triển rất mạnh ở Việt Nam, với quy mô diện tích lúc cao điểm lên tới hơn 300 ngàn héc-ta. Tuy nhiên sau đó diện tích dừa liên tục sụt giảm cho đến giai đoạn 2010 - 2022, người dân mới quay lại trồng dừa, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Tại thủ phủ dừa Bến Tre, mọi thăng trầm biến đổi của cây dừa từ lâu đã in sâu trong ký ức của người dân qua nhiều thế hệ. Cây dừa gắn bó với vùng đất này rất lâu đời, theo nhiều tài liệu ghi chép lại, từ cuối thế kỷ XIX, diện tích vườn dừa toàn tỉnh khoảng 4.000ha. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, diện tích dừa của tỉnh khoảng 16.000ha. Trải qua nhiều thăng trầm, diện tích dừa tăng rồi sau đó sụt giảm nghiêm trọng do giá cả thấp, nông dân phá bỏ vườn dừa để trồng các loại cây khác.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bé (87 tuổi), có 3 thế hệ kinh doanh, mua bán dừa tại xã Phú Hưng (TP. Bến Tre) chứng kiến bao thăng trầm từ lúc sơ chế thô. Bà Bé cho biết: Trước giải phóng, diện tích dừa tại tỉnh rất ít, chủ yếu sử dụng quả dừa khô để nấu lấy dầu, làm bánh, kẹo và bán lên Sài Gòn để ép làm dầu dừa, xà bông… Khi đó, người dân thu hoạch dừa khô bổ đôi, phơi khô một nắng để cạy ra lấy phần cơm rồi tiếp tục phơi khô vài nắng nữa mới cân cho các chủ vựa. Việc chế biến dừa rất thô sơ nên giá trị mang lại không cao, đời sống người trồng dừa còn gặp nhiều khó khăn.

Hàng chục năm gắn bó với cây dừa, ông Huỳnh Văn Phúc (77 tuổi), xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm kể: “Sau giải phóng, vùng đất này chỉ có cây dừa phát triển tốt. Tuy nhiên, lúc đó giá dừa thấp, bán không ai mua nên tôi và nhiều hộ dân trong xóm phá bỏ chuyển sang trồng lúa. Rồi giá dừa dần ổn định, người dân lại quay về với cây truyền thống này cho đến nay”. Trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm, vườn dừa tại khu vực xã Châu Bình giờ có giá cao nhất tỉnh bởi quả to, tỷ lệ dầu cao hơn những nơi khác. Cây dừa cho thu nhập ổn định nên không chỉ người dân Châu Bình mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng an tâm quay lại sản xuất.

Những năm gần đây, diện tích trồng dừa của tỉnh đều đặn tăng 1.000ha/năm. Đến nay, tỉnh có trên 80.000ha trồng dừa, chiếm 88% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200 ngàn hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn. 

Cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến

Cây dừa tại tỉnh chỉ thật sự phát triển mạnh từ cuối những năm 1990 và đầu năm 2000 khi có sự tham gia chế biến dừa của các DN đầu tư nước ngoài như: Sri Lanka, Malaysia cùng với sự nỗ lực của các DN trong tỉnh tiếp cận với công nghệ chế biến tiên tiến để sản xuất ra nhiều mặt hàng xuất khẩu như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa tinh khiết, than hoạt tính, chỉ thảm xơ dừa... Chính sự phát triển của các DN với công nghệ tiên tiến đã giúp cho giá cả dừa nguyên liệu ổn định, người dân quay lại với cây dừa truyền thống chứ không còn cảnh hết đốn hạ dừa để trồng các loại cây khác như trước đây.

Từ năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó có cây dừa. Từ đó, đã manh nha nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành và ngày càng phát triển. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu với nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) tham gia.

Trong đó, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú) là đơn vị điển hình trong liên kết nông dân, HTX và DN. HTX thành lập năm 2017 với 19 thành viên ban đầu, đến nay đã tăng lên 205 thành viên, với tổng vốn 1,8 tỷ đồng. Hiện tại, HTX có 210ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ được thu mua với giá cao hơn bên ngoài trung bình từ 15 - 20 ngàn đồng/chục (12 quả). Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh Phan Lê Tùng cho biết: “HTX đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới được 6 năm để sơ chế cơm dừa phục vụ chế biến, xuất khẩu. Qua đó, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hàng năm, lợi nhuận đều tăng, thành viên HTX thu nhập ổn định nên an tâm sản xuất dừa”.

Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh cho biết: Thị trường xuất khẩu dừa thời gian gần đây ngày càng khó tính với tiêu chuẩn cao. Trong đó, sản phẩm không chứng nhận hữu cơ không vào thị trường Mỹ được. Ngoài ra, còn nhiều rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn rất cao nên công ty phối hợp với các địa phương, HTX xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu. Đến nay, công ty phối hợp với 40 xã trên địa bàn tỉnh với 22 HTX, 60 đơn vị thu gom để liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ.

Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt gần 25 ngàn héc-ta, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230 ngàn tấn/tổng sản lượng dừa toàn tỉnh là 688 ngàn tấn, có 32 tổ hợp tác và 30 HTX tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các DN dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.

Trên bản đồ sản xuất và xuất khẩu, dừa Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới với sản lượng gần 2 triệu tấn/năm. Đặc biệt, năng suất và chất lượng dừa Việt Nam được xếp vào tốp đầu thế giới, với tỷ lệ cơm dừa 35%, tỷ lệ nước dừa 27%, cao hơn 5% so với tỷ lệ trung bình dừa trên thế giới.

Thành Châu - Thái Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN