Xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

02/11/2020 - 06:46

BDK - Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp (NN) chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, nhằm xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm NN theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển). Sau 4 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã hình thành đủ 8 chuỗi sản phẩm và từng bước phát huy hiệu quả theo chiều sâu.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý

Thời gian qua, ngành NN phối hợp với các ngành chức năng tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Đã có 9.098ha cây ăn trái, dừa và nuôi tôm biển được công nhận GAP và hữu cơ. Trong đó, dừa trên 8.691ha, chôm chôm trên 113ha, bưởi da xanh 278ha, nhãn 10ha, tôm biển 15ha. Toàn tỉnh đã cấp 11 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm và 31 mã cơ sở đóng gói (trong đó có 1 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP).

Có 3/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, trong đó sầu riêng Cái Mơn được công nhận nhưng chưa công bố. Triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể (dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng, con heo và con bò); 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương (Bò Ba Tri, Sầu riêng Cái Mơn, Bưởi da xanh Bến Tre, Dừa xiêm xanh Bến Tre).

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức cho biết, tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi, hình thành vùng nguyên liệu nông sản. Rõ nét nhất là chuỗi cây dừa. Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương, DN hình thành các tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi với 52 tổ hợp tác (THT), 18 hợp tác xã (HTX). Quy mô liên kết là 11.843ha, chiếm 16,34% tổng diện tích dừa. Trong đó, diện tích dừa hữu cơ 8.691ha, có chứng nhận hữu cơ là 3.077ha.

Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi

Hiện các DN đã liên kết xây dựng vùng trồng và thu mua dừa của nông dân như: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX), Công ty TNHH Hào Quang, Công ty TNHH thực phẩm Dừa Xanh... Các DN gắn kết tiêu thụ với nông dân bằng 2 hình thức mua trực tiếp dừa trái, dừa hột từ các THT, HTX và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở, các DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các THT, HTX, với mức giá sàn đảm bảo thu mua ổn định tối thiểu 50 ngàn đồng/chục dừa.

Tuyển chọn dừa trái để đưa vào sơ chế xuất khẩu mang thương hiệu Dừa Cười (Coco Smile).

Tuyển chọn dừa trái để đưa vào sơ chế xuất khẩu mang thương hiệu Dừa Cười (Coco Smile).

“Công ty đã xây dựng 2 cơ sở sơ chế dừa tại xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam và xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, với công suất sơ chế 20 ngàn trái/ngày, tương đương 7 tấn cơm dừa tươi/cơ sở và công ty cũng đang lắp đặt 2 cơ sở khoan lấy nước dừa để đóng hộp tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm và xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc. Lũy kế từ năm 2017 đến nay, các DN đã liên kết tiêu thụ 71,6 triệu trái...”, ông Nguyễn Bảo Trí - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết.

Bên cạnh việc vận động DN tham gia liên kết chuỗi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, Sở NN&PTNT cũng đã hỗ trợ DN ngành dừa đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Lũy kế từ năm 2017 đến nay, vốn khuyến công đã hỗ trợ DN ngành dừa thực hiện 29 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ 6,529 tỷ đồng, thu hút 39,743 tỷ đồng vốn đầu tư từ DN. Đồng thời, Sở Công Thương đã hỗ trợ phát triển 3 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm dừa và đặc sản của tỉnh trên địa bàn TP. Bến Tre và huyện Châu Thành.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ

Ngoài chuỗi dừa công nghiệp, chuỗi dừa xiêm xanh cũng được xây dựng nhằm ổn định vùng nguyên liệu, ổn định giá cả, ổn định đầu vào, đầu ra đối với loại trái cây này. Từ năm 2017 đến nay, hình thành 12 THT, có 299 hộ với quy mô 131,35ha và liên kết tiêu thụ với 2 DN.

Chuỗi bưởi da xanh hiện có 32 THT, 9 HTX và liên kết với DN với tổng diện tích 350ha. Đến nay, có 18 liên kết tiêu thụ sản phẩm của các THT/HTX với các DN tiêu thụ. Trong đó, có 14 THT/HTX liên kết với Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với hơn 400 hộ sản xuất bưởi da xanh, tổng diện tích 108ha. Tổng số diện tích liên kết tiêu thụ bưởi da xanh của tỉnh trên 330ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 278,45ha. Các HTX/THT bước đầu tạo được giá trị sản phẩm tăng thêm khi đạt chứng nhận VietGAP…

Đối với chuỗi chôm chôm, đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã có hợp đồng thu mua chôm chôm tại các THT chôm chôm ở xã Hòa Nghĩa, Long Thới (huyện Chợ Lách) nhưng sản lượng chưa nhiều. Ngành NN tiếp tục phối hợp, đôn đốc các HTX/THT ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Đại Thuận Thiên, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi. Phối hợp với địa phương triển khai chứng nhận VietGAP, nâng lũy kế diện tích đạt VietGAP với diện tích 113,2ha. Hoàn tất việc xây dựng mã số vùng trồng, nâng lũy kế lên 8 mã vùng trồng chôm chôm với diện tích 88,18ha.

Chuỗi hoa kiểng có 4 HTX, với 234 hộ tham gia, diện tích 54ha. Các HTX đã liên kết với các đại lý, cửa hàng trưng bày giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX tại các tỉnh như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai. Liên kết với các tỉnh, chợ đầu mối giới thiệu các lô bán hoa kiểng dịp Tết, hội chợ cho các HTX.

“Thời gian tới, ngành NN tập trung các giải pháp trọng tâm. Trước hết là thực hiện tốt các quy định về đất đai, nhằm tạo thuận lợi để các thành phần tham gia vào chuỗi tiếp cận đất đai. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chế biến tập trung. Tạo điều kiện về thể chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác, tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu phát triển nền NN công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung hóa, chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến.

Bước đầu hình thành các mô hình NN thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng, công nhận các DN và vùng sản xuất công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Quan tâm cấp mới, quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát mã số vùng trồng và cấp mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Quản lý khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ…

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN