Ảnh “Thu hoạch nghêu” đoạt giải II cuộc thi Ảnh nghệ thuật Bến Tre năm 2016 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Hậu.
Quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi hội tụ của nhiều danh nhân, học sĩ và anh hùng dân tộc như: nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nơi sinh của đại học sĩ Phan Thanh Giản, nơi gửi gắm hài cốt của nhà giáo tiêu biểu Võ Trường Toản - cụ tổ của ngành giáo dục Nam Kỳ, Ba Tri còn là nơi sản sinh ra những anh hùng đánh Pháp như Phan Ngọc Tòng, Tán Kế (Lê Quang Quan), Phan Liêm, Phan Tôn… Những bậc danh nhân, anh hùng đã để lại trên vùng đất Ba Tri những giá trị văn hóa vô cùng quý báu, hun đúc nên truyền thống văn hóa.
Tư tưởng, đạo đức của các bậc danh nhân, anh hùng đã thẩm thấu trong máu thịt của từng con người, ăn sâu trong từng thớ đất. Đó là tư tưởng, đạo đức, nhân cách: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Hai câu thơ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật bất hủ, khẳng định nền tảng đạo đức của con người Bến Tre nói chung và huyện Ba Tri nói riêng.
Nhận thức được vai trò của VHNT, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cùng với tỉnh, các cấp lãnh đạo của huyện Ba Tri lúc bấy giờ vừa phải tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh nhưng cũng không quên chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục truyền thống, ươm mầm phát triển VHNT.
Một trong những người có công ươm mầm cho việc phát triển văn hóa, phát triển VHNT là ông Huỳnh Văn Anh - nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Tri. Ông Huỳnh Văn Anh được biết đến với rất nhiều công trình thủy lợi mang tính đột phá, hàng trăm kí-lô-mét kênh dẫn nước ngọt được đào đắp để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng ở ông, những trăn trở, nung nấu thường trực trong con người đầy nhiệt huyết này chính là mong muốn xây dựng huyện Ba Tri thành huyện văn hóa.
Thời ấy, trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nhưng ông đã đề xuất Huyện ủy cho xây dựng hàng chục bia chiến thắng, tượng đài anh hùng. Trong đó, tượng đài anh hùng xã An Bình Tây và công trình Nhà hát Ba Tri với 1.500 chỗ ngồi, một thời là biểu tượng của huyện Ba Tri.
Ông Huỳnh Văn Anh cũng chính là người quyết định thành lập Chi hội VHNT huyện Ba Tri. Ngoài ra, ở huyện còn có các ông Nguyễn Quang Trị - nguyên quyền Bí thư Huyện ủy, ông Nguyễn Thành Nhân - nguyên Phó chủ tịch UBND huyện và nhiều thế hệ bí thư huyện ủy sau này là những người có nhiều công lao trong việc ươm mầm phát triển VHNT.
Những kết quả đạt được
Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 về việc tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, hoạt động VHNT huyện được tiếp thêm sức mạnh. Huyện ủy, UBND huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí in ấn, phát hành nhiều tác phẩm VHNT có giá trị. Đó chính là nguồn cảm hứng, khích lệ để phong trào sáng tác của huyện ngày càng phát triển.
Với sự chăm lo, vun đắp của Huyện ủy, hoạt động VHNT của huyện đã phát triển và đạt được những kết quả đáng kể. Chi hội VHNT huyện được thành lập năm 1986 với vài thành viên, đến nay đã có 38 hội viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, âm nhạc, đờn ca tài tử. Đa số hội viên của chi hội đều là hội viên Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu tỉnh. Nhiều cuộc thi sáng tác thơ, nhạc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, đờn ca tài tử… được tổ chức, thu hút đông đảo các tác giả tham gia, nhờ đó phong trào sáng tác của huyện luôn được khơi dậy và phát triển liên tục.
Nổi bật có Câu lạc bộ Thơ với 55 thành viên, được thành lập từ năm 1993. Câu lạc bộ luôn duy trì và phát triển hoạt động sáng tác, giao lưu với nhiều câu lạc bộ thơ trong cả nước. Câu lạc bộ Nhiếp ảnh hiện có 2 hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; hoạt động sáng tác duy trì thường xuyên. Đã có hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật do các hội viên sáng tác phản ánh đa dạng các nội dung phong phú về lao động sản xuất, ca ngợi quê hương, đất và người Ba Tri và đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc hội thi, liên hoan ở khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, hoạt động âm nhạc, nhất là diễn xướng Hát sắc bùa Phú Lễ đã được sưu tầm, khôi phục; hoạt động đờn ca tài tử phát triển khá mạnh, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương.
Không chỉ tạo điều kiện hoạt động sáng tác, huyện cũng đã đầu tư kinh phí để in ấn, phát hành nhiều tác phẩm văn học như: Ba Tri đất và người, Ba Tri thơ và văn, Ba Tri thời lửa đạn chưa xa, Di sản văn hóa phi vật thể Ba Tri, Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Ba Tri… Ngoài ra, còn có hàng trăm tập thơ, tác phẩm truyện ký của các tác giả được Hội VHNT tỉnh và Chi hội VHNT huyện phát hành. Một số tác phẩm thơ đã được chọn in trong các tuyển tập thơ Bến Tre 1945 - 2005, Bến Tre văn học 2011…
Cùng với phát triển VHNT, huyện Ba Tri cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm ảnh, các cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật… Năm 2018, huyện đã tổ chức cuộc thi sáng tác thơ với chủ đề “Nhân dân Ba Tri học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cuộc thi đã thu hút 72 tác giả với 110 tác phẩm thơ.
Định hướng phát triển VHNT
VHNT là bộ phận quan trọng của văn hóa, phát triển VHNT là góp phần xây dựng con người Ba Tri phát triển toàn diện. Những năm tới, huyện tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội VHNT; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi các hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm, phấn đấu ngày càng có nhiều tác phẩm văn học có chất lượng, ca ngợi về đất và con người Ba Tri, truyền thống cách mạng của địa phương...
Chăm lo phát triển VHNT toàn diện cả bề rộng lẫn bề sâu, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân; bồi dưỡng, đãi ngộ đối với đội ngũ văn, nghệ sĩ, tạo điều kiện phát huy hết tài năng, gắn bó và cống hiến lâu dài. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng VHNT huyện sẽ còn sinh sôi, nảy nở nhiều hơn nữa.
Hồng Vân