BDK - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn ngày 7-4 hàng năm làm Ngày Sức khỏe thế giới (World Health Day), nhằm kêu gọi, nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe toàn cầu với những hành động thiết thực. Năm 2025, Ngày Sức khỏe thế giới có chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” không chỉ là lời kêu gọi hành động vì sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, mà còn nhắc nhở mỗi cá nhân về tầm quan trọng của phòng bệnh - yếu tố then chốt để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và bền vững.
Duy trì vận động 30 phút/ngày là hành động phòng bệnh hiệu quả.
Thực trạng sức khỏe cộng đồng
Theo WHO, 80% bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường type 2 có thể phòng ngừa thông qua lối sống lành mạnh. Đáng chú ý, mỗi 7 giây lại có một ca tử vong có thể ngăn chặn được nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, sốt xuất huyết, hay tác động đến sức khỏe tâm thần.
Phòng bệnh không chỉ giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, mà còn tiết kiệm chi phí điều trị và bảo vệ chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, với nhóm đối tượng dễ tổn thương như: phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, việc phòng ngừa chủ động càng trở nên cấp thiết.
Theo ước tính của WHO, mỗi năm có gần 300 ngàn phụ nữ tử vong do mang thai hoặc sinh con, hơn 2 triệu trẻ sơ sinh chết trong tháng đầu đời và khoảng 2 triệu ca thai chết lưu. Đáng chú ý, 80% quốc gia có nguy cơ không đạt mục tiêu của Liên hợp quốc về giảm tử vong ở bà mẹ vào năm 2030. Những con số này phản ánh sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt tại các nước nghèo và khu vực xung đột.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn làm trầm trọng thêm nguy cơ nhiệt độ cao liên quan đến sinh non, thai chết lưu và bệnh lý nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế bị đóng cửa hoặc tấn công, khiến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh mất đi cơ hội được cứu sống. Năm 2025, Ngày Sức khỏe thế giới có chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” sẽ tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Đầu tư sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em
Chiến dịch Ngày Sức khỏe thế giới 2025 - 2026 kêu gọi các chính phủ, nhà tài trợ và cộng đồng y tế các nước hành động mạnh mẽ trong đầu tư chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cụ thể, mở rộng dịch vụ chăm sóc thai kỳ và sản khoa khẩn cấp để phát hiện sớm biến chứng. Tăng cường chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non và trẻ nhỏ, đảm bảo tiếp cận công bằng. Cải thiện hệ thống y tế, tập trung vào phòng chống suy dinh dưỡng, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần. Thúc đẩy chính sách bảo vệ phụ nữ, như chế độ nghỉ thai sản có lương và bảo hiểm y tế toàn dân.
WHO cũng nhấn mạnh bảo vệ sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ hay tổ chức quốc tế. Mỗi cá nhân cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ. Từ bỏ thói quen có hại xấu, hạn chế rượu, bia, thuốc lá. Chung tay nâng cao nhận thức bằng cách tham gia chiến dịch tình nguyện, hội thảo y tế, hoặc đơn giản là chia sẻ thông tin chính thống.
WHO khuyến cáo 5 hành động thiết thực để phòng bệnh hiệu quả: Tiêm chủng đầy đủ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần tiêm phòng đúng lịch để bảo vệ cả mẹ và con. Duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây, hạn chế đường, muối, chất béo có hại. Vận động thường xuyên 30 phút/ngày với các bài tập phù hợp như: đi bộ, Yoga, đạp xe. Ngủ đủ giấc (7 - 8 tiếng/ngày) giúp cơ thể phục hồi và tăng cường miễn dịch. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, ung thư). Ngoài ra, tích cực trồng cây xanh, giảm rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đeo khẩu trang ở khu vực ô nhiễm không khí, sử dụng nước sạch và vệ sinh nhà cửa thường xuyên.
Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 2025, mỗi người hãy trở thành “đại sứ sức khỏe” bằng những hành động cụ thể chăm sóc, bảo vệ thật tốt sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.