
Cửa hàng tiện ích có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Đa dạng, tiện lợi
Cửa hàng B.H.X. ở ngã ba đường Phan Đình Phùng giao nhau với đường Nguyễn Huệ, TP. Bến Tre đi vào hoạt động, chị Thu Hà đi làm về trễ vẫn có thể rẽ vào đây mua vài miếng ức gà nấu bữa tối. “Tiện lợi lắm, mình có thể mua được gà tươi, có khi còn được giảm giá vào cuối ngày. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá được nhân viên làm sạch sẽ, bảo quản trong tủ lạnh và có hạn sử dụng” - chị Thu Hà, ngụ xã Phú Hưng, TP. Bến Tre nói.
Theo Sở Kế hoách và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 48 cửa hàng tiện ích và một số cửa hàng tiện ích tư nhân của tiểu thương. Nhịp độ phát triển nhanh chóng của các cửa hàng tiện ích từ TP. Bến Tre đến các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh mang đến hình thức bán lẻ mới, theo hướng văn minh hiện đại. Cửa hàng có nơi giữ xe, đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, giờ giấc phục vụ từ 7 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày, người tiêu dùng thoải mái đi mua hàng.
Các cửa hàng tiện ích dù chỉ chiếm diện tích khá khiêm tốn nhưng người tiêu dùng có thể chọn lựa những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại, cả thức ăn nhanh được bày bán tại đây.
TP. Bến Tre đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các phương thức thương mại hiện đại như hỗ trợ kệ, bảng hiệu, chi phí thuê mặt bằng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của thành phố và nguồn vốn tỉnh. Bước đầu dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh như: không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc và ở những địa điểm không được phép kinh doanh, ảnh hưởng đến trật tự đô thị; không tiêu thụ sử dụng hàng giả, hàng nhái không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh các cửa hàng tiện ích của các chuỗi, hệ thống bán lẻ lớn, năm qua, UBND TP. Bến Tre đã hỗ trợ 2 cửa hàng tạp hóa nâng lên thành cửa hàng tiện ích, giúp các tiểu thương trên địa bàn nâng cao sức cạnh tranh và thay đổi tập quán buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ thành cửa hàng bán lẻ hiện đại, văn minh. Được biết, năm 2020, UBND TP. Bến Tre tiếp tục hỗ trợ thêm 2 cửa hàng tạp hóa thành cửa hàng tiện ích hiện đại.
Định hướng phát triển
Cùng với việc hình thành các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, hiện nay trên địa bàn thành phố đã có 3 máy bán hàng tự động phục vụ các loại đồ uống, các loại bánh của Chi nhánh Công ty TNHH Nhật Long lắp đặt. Bước đầu đơn vị cho biết các máy bán hàng tự động kinh doanh có hiệu quả. Hiện Công ty TNHH hành trình tìm kiếm đại sứ Đại Dương Xanh đang hoàn chỉnh phương án để hoàn thành việc xin phép lắp đặt 12 máy bán hàng tự động trên địa bàn thành phố, nhằm phát triển các loại hình kinh doanh thương mại theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thị trường Bến Tre đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống.
Bên cạnh đó, với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã xác định được 42 sản phẩm của 10 xã phường, trong đó 18 sản phẩm được Hội đồng Thẩm định tỉnh đánh giá đạt chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 10 sản phẩm đang đề nghị tỉnh đánh giá xếp hạng. Về hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm OCOP, đã có 4 doanh nghiệp ký bản ghi nhớ với tập đoàn Central Group, các doanh nghiệp đánh giá sản phẩm có gắn sao được sự quan tâm của khách hàng tăng cả về doanh thu và thuận lợi trong việc quảng bá.
Thực hiện Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2012; thương mại thành phố sẽ phát triển theo hướng, các kênh phân phối hàng hóa truyền thống đan xen các kênh phân phối hàng hóa hiện đại và tỷ trọng kênh phân phối hàng hóa hiện đại ngày càng tăng lên.
Định hướng đến năm 2025, TP. Bến Tre sẽ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tối thiểu hạng II, tạo điểm nhấn làm đầu tàu lôi kéo hoạt động thương mại trên địa bàn phát triển và thu hút dân cư của các tỉnh lân cận. Đồng thời, khuyến khích hướng dẫn các cửa hàng tạp hóa nâng cấp chuyển đổi thành các cửa hàng tiện ích, phân bố hợp lý trên các tuyến đường nội ô thành phố, phấn đấu có 150 - 200 cửa hàng tiện ích trong giai đoạn quy hoạch.
Bài, ảnh: Thạch Thảo