Liên kết để phát triển cây sâm biển

13/02/2020 - 21:29

BDK - Những năm gần đây, cây sâm biển ở 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú được nhiều người biết đến. Sâm biển được bày bán ở một số chợ trên địa bàn huyện và được một số quán ăn ở Khu du lịch Cồn Bửng dùng để chế biến các món ăn phục vụ du khách và làm quà biếu tặng cho bạn bè, người thân gần xa.

Bà Mai cắt sâm để bán cho khách.

Bà Mai cắt sâm để bán cho khách.

Sâm biển có thể phơi khô làm trà để uống, lá có thể dùng như một loại rau xanh để ăn sống, hoặc nấu lẩu, được nhiều người ưa chuộng vì vừa mát lại bổ dưỡng. Hơn 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Mai, 51 tuổi, ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong trồng sâm biển xen trong vườn xoài khoảng 2.000m2. Theo bà Mai, trồng sâm rất nhẹ công chăm sóc bởi hầu như không có sâu gây hại, chỉ nhổ cỏ và tưới nước vào mùa nắng.

Bà Mai chia sẻ: “Tôi trồng hơn 3 năm rồi, mỗi ngày cắt trên 10kg để bán ở Khu du lịch Cồn Bửng; các xã, thị trấn trong huyện hoặc ai có đám tiệc điện thoại mua thì tôi cắt giao. Sâm trồng từ 2 - 3 tháng thì có thể cắt lá bán được. Hiện giá dao động từ 30 - 35 ngàn đồng/kg”.

Đầu tháng 12-2019, một thông tin được nhiều người trồng sâm biển cảm thấy phấn khởi, đó là giữa Công ty cổ phần Sa Sâm Việt ở Bến Tre và Công ty cổ phần Việt DISTRIBUTION thuộc Tập đoàn Group Marketing Hoa Kỳ đã ký kết hợp tác về phân phối độc quyền sản phẩm Sa Sâm Việt tại thị trường Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là một khởi đầu tốt cho việc đưa sản phẩm Sa Sâm Việt ra thế giới, góp phần nâng cao giá trị của cây sâm biển trên địa bàn 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải.

Tuy nhiên, hiện nay tại xã Thạnh Hải, Công ty cổ phần Sa Sâm Việt do ông Phù Tường Nguyên Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ thuê đất người dân trồng khoảng 1ha sâm biển theo quy trình sạch hữu cơ. Riêng trong dân ở 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải trồng xen trong vườn xoài khoảng 1ha, ở mỗi xã chỉ có gần 10 hộ trồng với diện tích không lớn. Do không có đầu ra ổn định nên người dân chưa mạnh dạn mở rộng diện tích.

Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải Lê Văn Tiến, nếu phát triển được diện tích trồng sâm biển thì người trồng có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng dưa hấu, cây sắn nên cần phải có sự chuyển đổi mô hình sản xuất và có sự liên kết với doanh nghiệp.

Hiện nay, diện tích đất trồng màu của người dân ở 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải còn rất nhiều, đây là điều kiện tốt để chuyển đổi. Ngoài ra, cây sâm trồng xen vườn xoài phát triển cũng rất tốt.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Văn Hiện cho biết: Hiện nay, với diện tích cây xoài trên đất giồng cát ven biển các xã Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải khoảng 300ha; trong đó, phần lớn diện tích đang cho trái khá tốt, góp phần phát triển kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian gần đây, người dân tận dụng diện tích dưới tán xoài trồng thêm sâm biển, đây là loại rau sạch được người dân ưa chuộng. Do đó, diện tích trồng ngày một tăng lên, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thì cần có sự phối hợp giữa người dân, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gắn với hỗ trợ tiêu thụ. có như vậy đầu ra mới ổn định, người dân có thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Bài, ảnh: Văn Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN