 |
Anh Đỗ Minh Tuấn bên vườn sâm đất của mình. |
Sau ba ngày đăng ký, anh Đỗ Minh Tuấn, sinh năm 1988, quê ở Giồng Trôm được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. Công ty vừa được khai trương hoạt động vào ngày 9-9-2016, chuyên sản xuất sâm đất và chế biến các sản phẩm từ sâm đất.
Sâm đất còn gọi là cây quả nổ, sâm
tanh tách, tử lỵ hoa, tiêu khát thảo, tam tiêu thảo. Sâm đất có củ tròn dài
3cm, thân cao 50cm, có lông, phiến lá bầu dục, mặt trên có lông thưa, bìa có
rìa lông cứng, hoa to, đẹp, màu lam tím. Cây mọc tự nhiên trên những vùng đất
cao, đồi núi, nơi hẻo lánh ít ai để ý. Ở Côn Đảo, sâm đất mọc nhiều quanh các
hòn đảo. Củ sâm nhỏ, chỉ chừng ngón tay người lớn mọc túa ra không theo một trật
tự nào. Vị sâm ngọt nhẹ, hăng hắc thơm.
Trong một lần anh Tuấn đặt chân đến
Côn Đảo với ý định tìm kiếm một việc gì đó để khởi nghiệp cho riêng mình, anh
đã phát hiện ra loại sâm này. Anh kể, từ thời Pháp thuộc, những người tù ở Côn
Đảo đã phát hiện công dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe tuyệt vời của cây sâm
đất. Trong lúc bị đưa đi lao động, họ đã lén ăn những củ sâm đất đào được để chống
chọi với những gian truân khổ ải. Đến năm 2012, các cán bộ kỹ thuật của Vườn quốc
gia Côn Đảo phát hiện sâm đất có tác dụng chữa bệnh nên đã trồng thực nghiệm
thành công và phổ biến cho các hộ dân trồng.
Hiện nay, giống cây này được xem là đặc
sản có giá trị quý hiếm và được rất nhiều khách du lịch tìm mua với giá từ 1,5
- 2 triệu đồng/kg. Những năm gần đây, ở Côn Đảo, loại cây này đang dần khan hiếm
do bị người dân “săn” bán.
Anh Đỗ Minh Tuấn là người đầu tiên ở Bến
Tre có ý tưởng mang giống sâm đất có nguồn gốc từ đảo Côn Sơn về vùng đất xứ Dừa
để thử nghiệm nhân giống và phát triển. Từ năm 2009, anh đã học hỏi, nghiên cứu
cách nhân giống để về thử nghiệm nhân giống ở Bến Tre. Đến năm 2014, anh mạnh dạn
chuyển 10.000 cây con bằng đường hàng không về trồng thử nghiệm trên đất giồng
cát xã Thạnh Hải, Thạnh Phú nhưng tỷ lệ sống không cao. Đợt thứ 2, anh chuyển
tiếp 5.000 cây với tỷ lệ sống 20%. Phát hiện đất sạch được sản xuất từ mụn dừa
giúp cây giống mau phục hồi sức khỏe, với tỷ lệ sống trên 90%, năm 2016, anh đã
chuyển thêm 3.000 cây giống từ Côn Đảo về chăm sóc tại Phú Hưng, TP. Bến Tre.
Đến nay, vườn trồng của anh đã có
1.000 cây 6 tháng tuổi và khoảng 1.000 cây được nhân giống theo phương pháp mới
để tạo ra cây giống tại Bến Tre. Anh cho biết, hướng tới sẽ phổ biến rộng rãi
nhằm hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo phục vụ cộng đồng.
Đối với Bến Tre, sâm đất vừa là loại
dược thảo quý hiếm mới, vừa là loại cây kinh tế mới có khả năng thích ứng với
biến đổi khí hậu cao vì nó dễ thích nghi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt
như nắng, gió, khô hạn. Cây chỉ cần tưới nước, chăm sóc tốt trong vài tháng đầu
đời và có thể tự duy trì khả năng phát triển trong suốt thời gian sau đó cho đến
khi thu hoạch củ.
Trong ngày khai trương doanh nghiệp khởi
nghiệp hoàn toàn từ ý tưởng sáng tạo trẻ, anh Tuấn cho biết, anh đang chuẩn bị
ký hợp đồng liên kết sản xuất đầu tiên với một nông dân ở huyện Ba Tri trên diện
tích 2.500m2. Sau hơn một năm, anh sẽ bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là
500.000 đồng/kg.
“Tới đây, tôi sẽ phổ biến, nhân rộng
giống sâm đất bằng cách hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người
trồng. Với hướng này, nếu hộ gia đình chỉ có khoảng đất trống từ 100 - 200m2 vẫn
có thể gia tăng thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với loại cây này,
người trồng vẫn có thể tận dụng khoảng sân thượng trên cao để canh tác, góp phần
nâng cao thu nhập”.
Nói thêm về hoạt động chế biến sản phẩm
sau khi thu về, anh chia sẻ, công ty sẽ chế biến các sản phẩm cao cấp từ sâm đất
như rượu sâm, rượu sâm - mật hoa dừa, sâm sấy khô, sâm tươi đóng hộp, trà sâm…