Ngành giáo dục và đào tạo sắp xếp bộ máy tinh gọn

23/05/2018 - 07:28

Giờ hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner.

Giờ hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner.

Đổi mới căn bản toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn có cơ cấu hợp lý, giảm đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại việc nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức là mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Trên cơ sở đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đang tập trung nhiều giải pháp sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Lộ trình thực hiện

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 6, sở đã xây dựng kế hoạch sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ theo từng giai đoạn. Trước hết, cơ bản hoàn thành kiện toàn, sắp xếp các đầu mối bên trong của từng cơ quan, đơn vị đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan sở, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; kiện toàn, sáp nhập các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT nhằm tinh gọn bộ máy quản lý cơ quan GD&ĐT.

Sắp xếp hợp lý các trường học trên địa bàn phù hợp với cơ cấu lớp và số lượng học sinh. Thực hiện định biên giáo viên theo quy định của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án vị trí việc làm. Tham mưu hoàn thành cơ bản sắp xếp thu gọn các cơ sở giáo dục, các phòng chuyên môn thuộc sở theo tiêu chuẩn quy định. Sắp xếp bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, đúng vị trí việc làm được duyệt.

“Sẽ thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hàng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Trong năm 2018, rà soát và có kế hoạch giải quyết dứt điểm số viên chức và người lao động vượt quá số biên chế được giao, trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính. Rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đối với các chức danh kế toán, y tế tại các trường mầm non, phổ thông. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ và bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tham mưu có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập” - bà La Thị Thúy cho biết thêm.

Mô hình trường nhiều cấp học

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông sẽ rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục (thực hiện từ năm 2018 và hàng năm). Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông; triển khai đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (từ tháng 7-2018 đến 7-2025). Xây dựng đề án tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT). Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường (thực hiện từ năm 2018, hoàn thành trong quý IV - 2019).

Trên cơ sở xác định hướng đi, lộ trình cụ thể theo kế hoạch của UBND tỉnh, ông Võ Văn Bé Hai - Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết: Hướng tới, Sở GD&ĐT sẽ rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Triển khai đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Xây dựng đề án tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT). Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường (thực hiện từ năm 2018, hoàn thành trong quý IV-2019).

Mô hình hoạt động theo quy chế loại hình trường nhiều cấp học sẽ là mô hình điểm để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Mục đích giảm đầu mối, đáp ứng nhu cầu tinh gọn bộ máy. Đây được xem là lợi thế giúp giáo viên hiểu hơn về học sinh, từ đó có cách dạy phù hợp giúp các em hoàn tiện nhân cách một cách hài hòa.

Đối với học sinh của trường theo mô hình trường nhiều cấp học, học 2 buổi/ngày có tổ chức bán trú, gần như thời gian ban ngày đều ở trường. Sự phát triển tâm lý của học sinh với nhiều cấp độ khác nhau rất đa dạng. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục chuyển từ dạy học theo tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận phát triển năng lực, thì năng lực của mỗi trẻ được bộc lộ thông qua các đặc điểm tâm lý. Do vậy, trường nhiều cấp học sẽ tổ chức hoạt động theo thời gian biểu phù hợp với lứa tuổi học sinh hướng đến tăng thời gian học tập nhưng không tăng khối lượng và cường độ học tập.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Trường Phổ thông Hermann Gmeiner là trường ngoài công lập duy nhất thực hiện mô hình hoạt động theo quy chế loại hình trường nhiều cấp học. Trường có 1.074 học sinh (10 lớp tiểu học, 8 lớp THCS, 9 lớp THPT). Nhiều năm liền, trường đạt thành tích xuất sắc trong ngành GD&ĐT và được đánh giá cao về chất lượng dạy và học.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN