Mừng Xuân Canh Tý!
Mừng Bến Tre kỷ niệm 60 năm Ngày Ðồng khởi!
Trân trọng và tự hào miền đất mẹ yêu thương! Bến Tre với ba cù lao nhỏ bé được bồi đắp bởi bốn nhánh Cửu Long xuôi ra biển cả. Trước đây chúng ta cứ ngỡ rằng vùng đất này được hình thành trên dưới ba trăm năm, nhưng thật bất ngờ gần đây khi các nhà khảo cổ học đã khám phá và khai quật di chỉ Giồng Nổi, xã Bình Phú, TP. Bến Tre và di chỉ An Phong, xã An Thạnh, Mỏ Cày Nam, theo kết luận của các nhà khoa học thì Bến Tre đã có cùng với thời kỳ văn hóa Óc Eo.

Tranh tái hiện cảnh Lễ ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh 28-12-1960. (Ảnh PV chụp lại tại Nhà truyền thống Ðồng Khởi)
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Trở lại thời lịch sử cận đại, có biết bao truyền thuyết và lịch sử đã ghi làm chúng ta càng trân trọng và tự hào với công cuộc khai hoang mở cõi của bao lớp thế hệ cha ông như: Ông Trần Văn Yến đánh và chinh phục cọp ở làng Tân Hưng, huyện Ba Tri; ông Huỳnh Văn Giai lập nghiệp khai phá rừng ông gốc ở làng Tân Phú Trung, huyện Bình Ðại (nay là xã Phú Long) ven sông Ba Lai huyện Bình Ðại. Rồi biết bao câu chuyện khai hoang lập ấp, lên liếp trồng dừa để hình thành những vườn cây nổi tiếng dừa Ba Châu, cau Mỹ Lung (Lương Phú), quýt Lương Hòa… Bằng đường bộ, từ Ðồng Nai và đông hơn, nhiều hơn là đường thủy với những chiếc ghe bầu, ông cha ta phần lớn là dân ngũ quảng xuôi về Nam để tìm vùng đất mới, bám các cửa sông lớn, chọn những vùng đất giồng cát ven sông để khai phá và lập nghiệp, họ mang theo nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, mang theo nền văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc. Trong quá trình khai phá vùng đất mới họ đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng với thú dữ, bệnh tật, sự khắc nghiệt của thiên nhiên… Trong lao động sáng tạo, họ đã hình thành nhân cách, phong cách của con người Bến Tre như: cần cù, đoàn kết thương yêu nhau, dũng cảm, ngoan cường, ý chí vượt khó, bảo vệ lẽ phải, sống vì mọi người… để Nguyễn Ðình Chiểu cho ra đời Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga:
“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”
Phan Văn Trị:
“Ðừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay”
Những triết lý và tư tưởng ấy đã ảnh hưởng và lan tỏa, đã thấm sâu vào bao thế hệ con người Bến Tre mà lịch sử đã chứng minh. Có nhiều nhân vật xuất chúng như: Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng đem quân chi viện cho trận giặc mù u, hay đám lá tối trời dưới thời Trương Ðịnh, Lê Khánh Hòa cùng Nguyễn Sinh Sắc phục hồi nền Phật giáo, truyền bá tinh thần yêu nước; Trương Gia Mô ở làng Tân Hào, huyện Giồng Trôm đã đưa Nguyễn Sinh Cung từ Trường Dục Thanh vào Nam (Phan Thiết) và từ đó Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước... Truyền thống ấy đã được nuôi dưỡng và nhân rộng mạnh mẽ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đỉnh cao của nó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng
Từ Chi bộ đảng Tân Xuân ra đời đến liên Tỉnh ủy Bến Tre - Mỹ Tho, rồi Tỉnh ủy Bến Tre được thành lập, biết bao con người đã ngoan cường anh dũng, lớp lớp “Lục Vân Tiên thời đại” đi theo con đường của Ðảng vì chân lý đánh đuổi phong kiến áp bức và quân xâm lược, tay sai. Những nông dân buông cuốc cày cầm mã tấu, tầm vông hiên ngang xông trận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Tòng, Tán Kế, du kích Tân Hào của Ðồng Văn Cống, du kích Thạnh Phú Ðông của Phan Văn Phải, Phan Văn Kích… để rồi có chi đội 19, trung đoàn chủ lực 99 là lực lượng nòng cốt của vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp để lại những trận đánh làm kẻ thù khiếp sợ như: giồng Bà Thủ, cầu Móng, giồng Chùa, trong dân gian có câu:
“Ông Cống đóng tại Bàu Dơi
Mời Ông Lớn đến chơi
Ðứa nào đốt nhà…”
Thời xưa - Nguyễn Ðình Chiểu “Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”, nhưng thời đại cách mạng phụ nữ không phải là người chân yếu tay mềm chỉ lo phần bếp núc, sanh đẻ mà “giặc tới nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ cũng xông pha trận mạc, vào tù ra khám bất chấp hiểm nguy. Bà Nguyễn Thị Ðịnh (cô Ba Ðịnh), lúc 26 tuổi (vào tháng 3-1946) đã lái ghe vượt biển cùng với giáo sư Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và ông Ðào Công Trường để gặp Trung ương và Bác Hồ báo cáo tình hình kháng chiến chống Pháp ở Khu 8 và Bến Tre, đặc biệt là xin vũ khí về phục vụ kháng chiến. Chuyến đi này các ông đều được giữ lại Trung ương và chỉ có cô Ba Ðịnh được giao nhiệm vụ chở vũ khí về Bến Tre. Chuyến vũ khí ấy được giao trực tiếp cho ông Trần Văn Trà, lúc ấy là Khu bộ trưởng Khu 8 tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Ðảng bộ và quân dân Bến Tre đã vượt qua bao hy sinh mất mát, đóng góp sức người sức của, rất đáng trân trọng. Thời ấy Bến Tre nghèo lắm, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, chỉ sản xuất nông nghiệp là chính. Vì Tổ quốc, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chung sức, chung tay góp phần vào kháng chiến, hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ bạc, Bến Tre đã vận động đưa về Trung ương một gánh vàng 700 lượng là bông tai, dây chuyền, nhẫn cưới… góp vào cuộc kháng chiến trong những năm đầu đánh Pháp.
“Rừng dừa” quật khởi
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình đã lập lại, cũng như các tỉnh Nam Bộ, Bến Tre đã đưa 2 ngàn cán bộ, chiến sĩ lên đường tập kết ra Bắc. Ðảng ta đã lường trước kẻ thù sẽ lật lộng nên để 2 ngàn cán bộ và đảng viên ở lại Bến Tre, cất giấu 2 hầm súng, đủ trang bị một tiểu đoàn và phải chuyển hướng hoạt động chính trị. Hai năm, rồi sáu năm chế độ độc tài phát xít gia đình trị Ngô Ðình Diệm được Mỹ giúp sức và 6 năm đấu tranh chính trị cách mạng miền Nam đi vào đen tối. Luật 10/59 dã man tàn sát, đánh phá khốc liệt, nhà tù nhiều hơn trường học, Khám Lá, đình Bình Hòa, đình Hội Yên là nơi khảo tra, giam giữ và thủ tiêu hàng ngàn cán bộ và nhân dân yêu nước, hai hầm vũ khí đã vào tay địch, 2 ngàn cán bộ với trên 100 chi bộ cơ sở tan rã, chỉ còn 162 đảng viên.
Ðến ngày 17-1-1960, dưới ánh sáng Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bến Tre đã nổ ra cuộc Ðồng khởi với sức mạnh thần kỳ của nhân dân, sau đó lan ra khắp miền Nam. Từ cuộc Ðồng khởi 1960 đến 30-4-1975, Ðảng bộ và quân dân Bến Tre với 600 ngàn người đã hiên ngang và anh dũng cùng cả nước làm nên những chiến tích kỳ diệu, tô thắm tám chữ vàng “Anh dũng Ðồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.
Lại những con người đầu trần chân đất của xứ Dừa đã trở thành những Lục Vân Tiên thời đại lại đương đầu chiến đấu với lũ giặc ngoại xâm, không chỉ đàn bà mà trẻ em cũng mưu lược và dũng cảm, anh dũng hy sinh. Em Nguyễn Thị Thành 13 tuổi xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành vội đập bể nồi tấm heo để khỏa lấp dấu tích, bảo vệ cô Ba Ðịnh dưới hầm bí mật khi giặc lùng bắt, bao vây; em bé Sắc, Tân Thanh cướp lựu đạn ném vào quân thù tại đồn cảnh sát Phơi khi mẹ em đang bị tra tấn và 2 mẹ con bị giặc bắn đã anh dũng hy sinh. Mẹ Trần Thị Kế chỉ thẳng vào mặt quân thù nói “chồng con tao trong trái tim tao” và đã anh dũng hy sinh. Còn đó, “Ðội quân tóc dài” hiên ngang trước nòng súng giặc. Chị Tuyết, chị Kiều mưu trí tay không lấy đồn địch giữa ban ngày, nghĩa quân cảnh sát Chống không nổ một phát súng, không tốn một viên đạn đã lấy hàng trăm súng trong Ðồng khởi đợt hai tại ba châu. Ông Ðoàn Văn Tranh cắn răng không khai báo, thà hy sinh để bảo vệ kế hoạch Ðồng khởi 1960; tổ hành động đã ôm hè diệt tên đội Tý tại quán bà Năm Thiểu ở Ðịnh Thủy để lực lượng ta tiếp tục bao vây trung đội địch tại Ðình Rắn làm cháy lên ngọn lửa Ðồng khởi vào 17-1-1960; em Hiếu 16 tuổi đã xông lên dùng mã tấu chém chết tên trung úy ngụy trong trận càn tại 3 xã Ðịnh Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp nhằm bao vây dập tắt “ung nhọt Kiến Hòa”; ông Sáu Thời dụ lính xuống ao bắt cá đã dùng chài vãi trùm lên trên đầu địch để cướp súng và biết bao hình ảnh xúc động, tự hào khác nữa...
Vào thời điểm 20-12-1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời thì ngày 28-12-1960, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bến Tre cũng đã ra mắt hiệu triệu 60 vạn con tim vùng lên kháng chiến cứu nước.
Thắp sáng ngọn lửa Ðồng Khởi
Tại hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre tháng 7-1982, Ðại tướng Hoàng Văn Thái đã nói: Phong trào Ðồng khởi ở Bến Tre mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chính quyền Mỹ - Diệm. Phong trào Ðồng khởi Bến Tre đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của miền Nam nói riêng, cả nước nói chung và xứng đáng được gọi “Quê hương Ðồng khởi” với tất cả nội dung và tính chất của nó.
Ðể có được niềm vinh dự và tự hào ấy, bao thế hệ cha ông ta đã đem biết bao xương trắng máu đào cùng cả nước viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Vô cùng trân trọng và tự hào cho mọi người dân xứ Dừa! Hãy thắp sáng hơn lên ngọn lửa Ðồng khởi năm xưa, để xây dựng Bến Tre giàu đẹp, văn minh như lời Bác Hồ kính yêu hằng mong ước: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trần Công Ngữ